Theo Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO - chủ đầu tư), dự án Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới - nằm trên địa bàn phường Long Bình, quận 9, TP HCM và một phần TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương - giai đoạn 1 đã đủ các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ vận tải hành khách. Đơn vị dự kiến tổ chức lễ khai trương chính thức đưa bến xe này vào hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 26-4.
Còn hạn chế trong lưu thông
Qua ghi nhận, hiện BXMĐ mới với nhiều hạng mục lớn như nhà ga trung tâm, nơi đón trả, khách cùng khu vực đậu xe chờ tài của dự án đã cơ bản hoàn thành. Mặt tiền bến xe với cổng chính tiếp giáp Quốc lộ 1, sát ranh tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và các hướng đi đã được kết nối trực tiếp với các tuyến Quốc lộ 1, đường Hoàng Hữu Nam và đường số 13. Trong đó, phía cổng chính, đường cho xe ra vào bến đã được trải nhựa, kết nối vào bên trong. Còn khuôn viên bến xe, khu vực xung quanh ga trung tâm, các hạng mục công trình, trang thiết bị cũng đã sẵn sàng đưa vào khai thác.
Riêng khu vực phía sau tại đoạn tiếp giáp đường Hoàng Hữu Nam và số 13, hiện vẫn ngổn ngang các bãi đất trống. Đồng thời, các tuyến Hoàng Hữu Nam đến đường D400 kết nối Quốc lộ 1 và đường số 13 hiện cũng chưa được mở rộng. Trong khi từ Quốc lộ 1 rẽ vào đường Hoàng Hữu Nam đoạn qua bến xe, giao thông tổ chức thành 2 phần đường nhỏ hẹp, mang tính nội bộ phục vụ người chạy xe máy, xe đạp...
Theo anh Nguyễn Văn Nam (ngụ phường Tân Phú, quận 9), trước đây đường Hoàng Hữu Nam kéo dài đến Quốc lộ 1 và ôtô có thể lưu thông. Sau khi công trình thực hiện, đoạn đường trên tổ chức lại giao thông khiến ôtô phải chạy vòng qua đường Nguyễn Xiển (gần cầu Đồng Nai) hoặc rẽ qua đường D400 tại khu vực ngã ba Lâm Viên. "Từ đó gây nên một số xáo trộn trong việc đi lại của các hộ dân ở khu vực nên tôi mong nhanh chóng tổ chức các tuyến kết nối để thuận tiện và thông suốt" - anh Nam nói. Theo anh Nam, tuy hướng lưu thông từ trung tâm TP HCM vào BXMĐ mới hiện đã khá thuận tiện theo Quốc lộ 1 vào cổng chính hoặc đường D400 qua Hoàng Hữu Nam, nghĩa là từ bến, xe đi các tỉnh miền Đông cũng thẳng hướng Quốc lộ 1 để lưu thông nhưng với hướng lưu thông ngược về bến, xe sẽ phải chạy vòng qua các tuyến đường khác để quay đầu bởi đang chờ xây dựng các công trình cầu vượt và hầm chui, tạo sự kết nối thuận tiện.
Khuôn viên xung quanh nhà ga trung tâm Bến xe Miền Đông mới hiện đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác
Chờ thủ tục
Theo SAMCO, dự án BXMĐ mới giai đoạn 1 hiện đã lắp đặt xong các trang thiết bị cần thiết, đồng thời hoàn thành nghiệm thu để đưa vào sử dụng. SAMCO cũng cho biết đã lập hồ sơ gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, đề nghị công bố bến xe và công bố tuyến đường hoạt động giai đoạn 1, phục vụ khách tuyến cố định cự ly từ 1.100 km trở lên. Như vậy, các tuyến này sẽ phục vụ khách đi chặng TP HCM đến các tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc.
SAMCO đánh giá việc đưa BXMĐ mới vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm, đặc biệt là xung quanh BXMĐ hiện hữu tại quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo UBND TP về việc đưa bến này vào hoạt động, phía SAMCO cho biết thiếu một số thủ tục pháp lý và hạng mục cần đầu tư. Cụ thể là hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cùng tài sản gắn liền với đất trên khu đất tại dự án BXMĐ mới. Kế đến là giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của SAMCO tại bến xe này.
Vì vậy, để chính thức đưa BXMĐ mới vào hoạt động cuối tháng 4 theo kế hoạch, SAMCO đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại khu đất thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh và trình UBND TP cho phép được làm trạm cung cấp nhiên liệu.
Trường hợp các thủ tục pháp lý nêu trên vẫn chưa được giải quyết kịp thời, phía SAMCO kiến nghị UBND TP vẫn cho phép BXMĐ mới được khai trương và đưa vào hoạt động cuối tháng 4 và đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở - ngành liên quan hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Trong khi đó, BXMĐ mới khi đưa vào khai thác, trước mắt sẽ có 40 tuyến xe chạy tuyến TP HCM đến các tỉnh, thành từ Bình Định trở ra phía Bắc, tương đương khoảng 200 lượt xe xuất bến mỗi ngày. Theo một cán bộ thuộc Sở GTVT TP, để chuẩn bị cho việc đưa bến xe mới vào khai thác, một số tuyến xe buýt sẽ được điều chỉnh kết nối với bến xe này. Riêng từ BXMĐ hiện hữu tại quận Bình Thạnh, hiện Sở GTVT cũng sẽ tổ chức một tuyến xe buýt nối với bến mới. "Nhiều người vẫn có thói quen đến bến cũ mua vé, do đó tuyến xe buýt này nhằm thuận tiện cho khách di chuyển qua bến mới" - cán bộ này nói.
Xây cầu vượt trong quý I/2020
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, trong quý I năm nay, dự kiến thực hiện dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, gồm các công trình xây lắp cầu vượt số 3 và cầu bộ hành XL1 cùng xây lắp đường chui nhánh phải XL3. Các công trình này khi hoàn thành sẽ giúp các loại phương tiện ra vào bến không xung đột với dòng xe lưu thông thẳng trên Quốc lộ 1. Khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành cũng tạo sự kết nối giao thông ở khu vực này.
Metro số 1 đặt nhiều mục tiêu đột phá
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, năm 2020 là mốc thời gian đặc biệt quan trọng với hàng loạt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), để hoàn thành vào cuối năm 2021.
Hiện khối lượng thực hiện toàn dự án metro số 1 đạt khoảng 71% và theo tiến độ đề ra, năm 2020 sẽ nâng lên 85%. Trong đó, với 4 gói thầu chính, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cũng cho biết kế hoạch thi công với khối lượng tương ứng hoàn thành trong năm nay cũng đã được đề ra. Cụ thể, gói CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP - quận 1) hiện đạt 65% và sẽ nâng lên 80% trong năm nay. Với gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son - quận 1), mục tiêu đạt 90% trong năm nay (hiện khối lượng đạt hơn 80%). Các gói thầu còn lại gồm CP2 (đoạn trên cao và depot), gói CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng), mục tiêu thực hiện trong năm nay lần lượt là 90% và 80%.
Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng cho biết Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đã được thành lập để thực hiện quản lý, khai thác khi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đưa vào vận hành thương mại. Ban Quản lý đường sắt đô thị đã cùng công ty này xây dựng các phương án đưa dự án vào khai thác theo đúng kế hoạch như tuyển nhân sự lái tàu, nhân sự điều hành... Đồng thời, việc chuyển giao thông tin công nghệ và kinh nghiệm giữa nhân sự 2 bên cũng đang được triển khai, với mục tiêu sẽ có đội ngũ nhân sự đủ năng lực vận hành tuyến metro hiệu quả. Dự kiến quý II năm nay, tàu metro nhập khẩu sẽ được chuyển về và vận hành chạy thử ở đoạn Bình Thắng - depot Long Bình (quận 9 và Thủ Đức) vào quý III năm nay.
Trong khi đó, để tăng khả năng kết nối và thuận tiện cho người dân khi metro số 1 đưa vào khai thác, tại các nhà ga của tuyến đều có phương án tổ chức bãi giữ xe cho người dân. Phương án kết nối các tuyến xe buýt dọc metro, tạo thuận lợi cho việc di chuyển cũng đã được tính đến và đang tổ chức thực hiện. Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị đang kiến nghị thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại nhà ga Bến Thành khi các dự án này đưa vào vận hành. Dự án nhằm phục vụ việc trung chuyển hành khách, đồng thời kết nối với các công trình hạ tầng kỹ thuật xung quanh như bãi đậu xe ngầm, trung tâm thương mại... Dự án này dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)