Dạo một vòng các tuyến phố ở Hà Nội những ngày này có thể dễ dàng bắt gặp cảnh thi công tấp nập trên nhiều hè phố, trông giống như một đại công trường với ngổn ngang gạch, đá, xi măng... cùng máy móc. Lát lại vỉa hè nhưng không ít sỏi, cát, xi măng rớt xuống lòng đường khiến mỗi khi phương tiện giao thông chạy qua lại cuốn lên bụi mù cả con phố, tràn vào nhà dân, cửa hàng, cửa hiệu hai bên đường.
Các tuyến phố có vỉa hè bị đào lên, lát lại những ngày này có mật độ giao thông khá đông đúc như Giảng Võ, Nguyễn Văn Huyên, Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch, Hào Nam, Xã Đàn... nằm trên địa bàn nhiều quận.
Điều đáng nói là việc thi công kéo dài, có khi cả tháng trên một tuyến vỉa hè làm ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt thường nhật của người dân cũng như mỹ quan đô thị và môi trường. Việc đào xới để làm lại vỉa hè có thể làm ảnh hưởng đến việc di chuyển, đi lại và kinh doanh của người dân, nhất là vào dịp cuối năm khi các hoạt động đi lại cũng như kinh doanh luôn tấp nập, nhộn nhịp hơn so với ngày thường.
Theo lý giải của đại diện các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy - quận có nhiều tuyến phố đang thi công vỉa hè những ngày này, việc cải tạo là do vỉa hè xảy ra tình trạng hư hỏng nặng, xuống cấp.
Việc cải tạo, nâng cấp vỉa hè hư hỏng, xuống cấp là cần thiết, song điều mà người dân phàn nàn là việc thi công trên một đoạn vỉa hè khá chậm trễ, kéo dài làm ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như công việc kinh doanh dịp cuối năm. Việc thi công cũng không bảo đảm vệ sinh môi trường, để vật liệu như cát, sỏi rơi nhiều xuống lòng đường, vừa gây ô nhiễm vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đây là tác nhân góp phần vào chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội những ngày qua luôn ở mức xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả người dân.
Một năm có 12 tháng, song việc đào xới, lát lại vỉa hè như một "căn bệnh kinh niên" hay diễn ra vào dịp cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề giải ngân vốn, khó có thể bố trí ngân sách ngay từ đầu năm. Đến khi có vốn lại phải trải qua nhiều thủ tục, quá trình đấu thầu... Từ đó dẫn đến cứ cuối năm mới bắt đầu thi công, đào xới vỉa hè, lòng đường. Trong khi đó, đây là thời điểm rất không phù hợp để làm điều này bởi nhu cầu giao thông và đi lại của người dân gia tăng, hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng nhộn nhịp và khởi sắc. Chưa kể thời tiết mùa này hanh khô càng làm cộng hưởng khói bụi, làm nặng nề thêm ô nhiễm môi trường.
Căn bệnh kinh niên cuối năm đã được chỉ ra, nhưng đến khi nào mới chữa trị được dứt điểm? Câu trả lời có lẽ không chỉ ở cấp quận chịu trách nhiệm đầu tư, thi công mà cả cấp phê duyệt là TP Hà Nội.
Bình luận (0)