Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa có kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng tại Sở Y tế; việc mua vật tư, trang thiết bị y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh của các đơn vị thuộc ngành y tế Gia Lai.
Co ro ... dưới hiên bệnh viện
Những ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động liên tục nhận được phản ánh từ các bệnh nhân rằng BVĐK Gia Lai buộc phải chuyển bệnh nhân đến cơ sơ y tế khác chữa trị vì hết vật tư.
Tối 30-8, ông Puih Djưn (52 tuổi, trú xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bị tai nạn gãy chân được đưa đến BVĐK tỉnh Gia Lai cấp cứu. Sau khi sơ cứu ban đầu, do hết vật tư chữa trị nên BVĐK Gia Lai chuyển ông Puih Djưn xuống Trung tâm y tế (TTYT) TP Pleiku để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, TTYT TP Pleiku không tiếp nhận. Ngoài trời đang mưa, không có người thân chăm sóc, ông Puih Djưn nằm trên cáng và đặt nằm dưới nền gạch. Từ khoảng 22 giờ, đến gần 23 giờ, sau khi phóng viên đưa máy ảnh lên chụp, ông Puih Djưn được đưa vào trong phòng nằm.
Khoảng 21 giờ cùng ngày, ông Hồ Văn Hùng (61 tuổi, trú phường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị tai nạn giao thông và được người dân đưa đến BVĐK Gia Lai cấp cứu trong tình trạng gãy tay. Sau khi sơ cứu, ông Hùng được chuyển đến TTYT TP Pleiku nhưng cũng không được tiếp nhận.
Bà Hồ Thị Hạnh (chị gái ông Hùng) cho biết khi gia đình tới nơi thì các bác sĩ tại BVĐK Gia Lai chỉ sơ cứu, băng bó và nói người nhà chuyển đi TTYT TP Pleiku vì tại đây "không có đồ làm 1 tháng nay rồi". Theo bà Hạnh, dù đã mua thẻ bảo hiểm y tế tại BVĐK Gia Lai, nhưng khi nhập viện em trai bà không được làm thủ tục, nên khi đưa đến TTYT TP Pleiku thì các bác sĩ không nhận do không có giấy chuyển viện nên gia đình bà buộc phải đưa ông Hùng quay trở lại BVĐK Gia Lai. "Người nhà tôi bị tai nạn, nguy kịch như vầy mà cứ bắt chúng tôi đưa qua đưa lại, vòng vòng mà không chữa trị như như vậy là sao? Bị nặng chữa không kịp thời chết ra đó thì ai chịu trách nhiệm" – bà Hạnh bức xúc nói.
Rất nhiều trường hợp khác khi gặp nạn được đưa đến BVĐK tỉnh Gia Lai chữa trị cũng chỉ được sơ cứu và chuyển đi các cơ sở y tế khác chữa trị. Điển hình như trường hợp cô giáo Trần Thị Bá Tiền (SN 1984, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông) bị bánh xe tải chèn nát cánh tay trái. Sau khi được đưa đến BVĐK tỉnh Gia Lai chữa trị ngày 9-9, nhưng do không có vật tư nên phải chuyển qua BV Quân y 211 và được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ cánh tay bị thương để bảo toàn tính mạng.
Triển khai chậm, chia nhỏ gói thầu
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở y tế Gia Lai, cho biết sau khi biết thực trạng trên đã chỉ đạo làm rõ xác định nguyên nhân là do BVĐK Gia Lai tổ chức đấu thầu vật tư, thuốc... chậm. Sau đó Sở Y tế đã phải hướng dẫn BVĐK Gia Lai mua sắm cấp bách trong thời gian chờ đấu thầu.
"Chúng tôi đã chỉ đạo phải nhanh chóng đáp ứng thuốc, vật tư, hoá chất... phục vụ cho bệnh nhân. Bằng mọi cách không thể ảnh hưởng đến việc chữa trị của bệnh nhân" – ông Hải nói và cho biết tình trạng thiếu vật tư tại BVĐK Gia Lai sẽ khắc phục trong ít ngày tới.
Sau khi vào cuộc làm việc, Thanh tra tỉnh xác định BVĐK Gia Lai đã mắc nhiều sai phạm, hạn chế trong quá trình mua sắm vật tư y tế, đấu thầu thuốc.
Cụ thể trong việc mua sắm vật tư, hoá chất BVĐK Gia Lai đã chậm triển khai tổ chức, thực hiện đấu thầu theo chủ trương của Sở Y tế và UBND tỉnh Gia Lai. Khi thực hiện các bước đấu thầu cũng chậm nhiều thời gian so với quy định.
Trong thời gian chậm triển khai đấu thầu, ông Phạm Bá Mỹ, Giám đốc BVĐK Gia Lai đã tự ý chia nhỏ các gói thầu, ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu mua vật tư, hoá chất cho từng đợt mua sắm với giá trị dưới 100 triệu đồng, tổng giá trị trên 95 tỷ đồng; có 361 mặt hàng không tổ chức đấu thầu. Việc chia nhỏ các gói thầu để chỉ định thầu cũng như không tổ chức đấu thầu với 361 mặt hàng là trái quy định của pháp luật về đấu thầu, làm thiệt hại ngân sách trên 1,987 tỷ đồng.
Khi thực hiện các bước đầu thầu có nội dung không đúng quy định và mâu thuẫn trong hồ sơ, thậm chí có biểu hiện việc hợp thức hoá hồ sơ. Nhiều trường hợp tổ thẩm định đã phát hiện thiếu sót trong việc lựa chọn nhà thầu và đề xuất nhưng ông Mỹ không xem xét, xử lý thấu đáo.
"Việc làm này của BVĐK Gia Lai là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại kinh phí và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân" – Thanh tra tỉnh Gia Lai nêu rõ và nhấn mạnh năm 2015, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ ra sai phạm trong việc chia nhỏ các gói mua sắm tài sản và yêu cầu chấn chỉnh nhưng đến nay BVĐK Gia Lai tiếp tục sai phạm.
BVĐK Gia Lai được giao làm đầu mối tổ chức đấu thầu thuốc tập trung của tỉnh nhưng khi đấu thầu lại chậm thực hiện cấp các bước đánh giá hồ sơ dự thầu, trong quá trình xây dựng danh mục, số lượng, giá từng mặt hàng thuốc để trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, BVĐK Gia Lai đã không tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 133 danh mục trong năm 2016 và 2017 với lý do không xây dựng được giá kế hoạch và kiến nghị cho phép BVĐK Gia Lai tự mua sắm là không đúng duy định pháp luật.
Xử lý trách nhiệm nghiêm khắc
Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định trách nhiệm chính khi để xảy ra sai phạm trong việc đấu thầu thuốc và mua sắm vật tư y tế, hoá chất thuộc về ông Phạm Bá Mỹ và phó giám đốc được phân công phụ trách công việc liên quan. Từ đó Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị BVĐK Gia Lai phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm những hạn chế, thiếu sót trên. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc gắn với yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật đối với những sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc mua sắm vật tư y tế, hoá chất.
Sở Y tế Gia Lai cũng phải nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm vì đã không xem xét, chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời để xảy ra nhiều sai phạm.
Bình luận (0)