Lễ xuất quân đưa bệnh viện dã chiến cấp 2 lên đường sẽ được tổ chức tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển mới trong việc tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới của quân đội Việt Nam.
Bộ Quốc phòng cho biết lực lượng này đã được thành lập, trang bị, đào tạo bồi dưỡng theo chuẩn yêu cầu của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Các thủ tục, giấy phép ở Nam Sudan để tiếp nhận sĩ quan ta, giấy phép nhập khẩu trang bị… cũng đã có. Thời điểm này được đánh giá là rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam cử cấp đơn vị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, theo lộ trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 11-2012.
Gần 5 năm qua, Việt Nam đã cử 27 cá nhân làm sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu tại 2 phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. "Trước đây, chúng ta là người quan sát, bây giờ là người hành động. Từ hoạt động của cá nhân chuyển sang hoạt động của đơn vị, về mặt tổ chức có nhiều yếu tố khác hẳn: Công tác chỉ huy và điều hành, công tác chính trị… cần thời gian chuẩn bị rất công phu" - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định.
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Bộ Quốc phòng, cho biết điều đặc biệt là trong đội hình 63 cán bộ, sĩ quan, nhân viên của BV dã chiến cấp 2, có tới 10 người là nữ - chiếm 16%, tỉ lệ cao nhất trong các nước tham gia lực lượng này. Đây là chỉ số rất quan trọng do LHQ coi trọng bình đẳng giới - một nữ quân nhân được tính tương đương 2 người.
Theo đại tá Phụng, trong gần 5 năm chuẩn bị cho BV dã chiến tại Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), ông đã chứng kiến sự cố gắng của các nữ quân nhân không thua kém gì nam giới. Họ là những người vợ, người mẹ trong các gia đình nhưng đã cố gắng thu xếp để tham gia tất cả chương trình huấn luyện về chuyên môn cũng như huấn luyện tiền triển khai rất chu đáo.
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 diễn tập tình huống giả định. Ảnh: CỤC GÌN GIỮ HÒA BÌNH VIỆT NAM
Thời gian tới, các nữ quân nhân này sẽ phải tham gia các hoạt động như nam ở BV đặt tại Bentiu, phái bộ giữ gìn hòa bình LHQ ở Nam Sudan. Những nữ quân y này sẽ mang tới hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, những sĩ quan trong phái bộ. Người dân địa phương chắc hẳn sẽ vui hơn khi những nữ quân nhân có mặt giúp đỡ họ trong các hoạt động nhân đạo hay các công việc hằng ngày như giữ vệ sinh nhà cửa, nuôi dạy con cái…
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định việc cử 10 sĩ quan nữ đi là quyết định rất mạnh dạn. Sĩ quan nữ có những đặc thù riêng khi sống xa gia đình, trong điều kiện khắc nghiệt thì họ gặp khó khăn hơn nam giới rất nhiều.
"Chúng tôi luôn đặt yêu cầu về sức khỏe và sự an toàn của các sĩ quan lên hàng đầu. Còn một yêu cầu nữa rất quan trọng là khi nữ sĩ quan xa gia đình thì gia đình phải yên ấm, yên tâm. Điều này chúng tôi rất quan tâm để làm công tác chính sách. Tôi tin tưởng 10 sĩ quan nữ sẽ đem lại dấu ấn rất sâu đậm trong các cơ quan quốc tế" - tướng Vịnh tin tưởng. Theo ông, việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào công tác giữ gìn hòa bình LHQ, càng chứng minh quân đội Việt Nam là quân đội mạnh, thích ứng được với rất nhiều nhiệm vụ, góp phần thể hiện vị thế Việt Nam, trách nhiệm của Việt Nam là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
BV dã chiến của Việt Nam đã nhận được nhiều sự ủng hộ của LHQ và cộng đồng quốc tế. Các nước Anh, Mỹ, Úc, Hà Lan… đã cử chuyên gia giúp huấn luyện, tập huấn kỹ năng chung, kỹ năng cấp cứu chấn thương, cấp cứu đường không; chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến phòng chống bạo lực tình dục, trao đổi chuyên môn… Lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh sẽ chuyển giao BV dã chiến tại Nam Sudan trực tiếp cho Việt Nam. Trong lễ xuất quân, dự kiến sẽ có 2 chiếc máy bay C17 của Úc tham gia giúp Việt Nam chuyển quân, tạo nên hình ảnh đẹp, có ý nghĩa biểu tượng cao.
Cùng với việc triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên, bệnh viện thứ hai đang được Việt Nam chuẩn bị để thay thế vào cuối năm 2019.
Bình luận (0)