Trong cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội sáng 21-9, đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan sẽ được tổ chức vào ngày 1-10 tới tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM.
Bệnh viện có biên chế 63 người, đã được LHQ chấp thuận, chỉ còn chờ một số thủ tục pháp lý cuối cùng với LHQ và nước chủ nhà Nam Sudan.
Quang cảnh cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc
Chủ trì cuộc họp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, khẳng định đây là thời điểm quan trọng. Với việc chuẩn bị đưa bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ở cấp độ đơn vị.
"Chỉ còn 10 ngày nữa sẽ đưa bệnh viện dã chiến cấp 2 đi Nam Sudan và chỉ 1 năm nữa thôi sẽ đưa đội công binh hơn 250 người. Do đó, nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành rất nặng nề, vừa đảm bảo lễ xuất quân tốt đẹp vừa tích cực chuẩn bị bệnh viện dã chiến thứ 2 để thay thế sau 1 năm vừa chuẩn bị đội công binh"- Thứ trưởng nói.
Ông cũng cho biết rất may mắn là đến sáng nay, tất cả các điều kiện đưa lực lượng quân y của ta đi tham gia gìn giữ hòa bình đã hoàn thiện. Lực lượng đã được thành lập, triển khai, trang bị, đào tạo bồi dưỡng theo chuẩn yêu cầu của LHQ cũng như yêu cầu của lãnh đạo ta. Đến nay có thể khẳng định bệnh viện dã chiến đã hoàn toàn sẵn sàng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Điều kiện thứ 2 là các thủ tục cho phái bộ cũng đã hoàn thiện. Với sự đồng ý của Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã có quyết định cử bệnh viện dã chiến cấp 2 và các trang thiết bị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Thủ tướng Chính phủ đã có nghị định về chính sách đối với các cán bộ, chiến sĩ; có sự khẳng định và cho phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các loại giấy phép ở địa bàn Nam Sudan để tiếp nhận sĩ quan ta, giấy phép nhập khẩu trang bị… cũng đã có trong tuần qua.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam nhận được sự ủng hộ lớn của quốc tế. Bên cạnh lực lượng quốc tế đã giúp huấn luyện, trang bị, bồi dưỡng cán bộ… Lần này Úc sẽ giúp Việt Nam đưa quân y sang. Chuyến bay đầu tiên là vào ngày 1-1, và ngày 15-10 bay chuyến thứ 2. Úc đã tổ chức chuyến bay thử từ Úc sang địa bàn Nam Sudan, hoàn chỉnh công tác chuẩn bị.
Thượng tướng cũng cho biết qua quá trình vận động, lực lượng gìn giữ hoà bình của Anh đã giúp Việt Nam, bàn giao cho quân y ta doanh trại. Lẽ ra bệnh viện dã chiến của Anh đã rút từ tháng 6 nhưng do thời gian xuất quân của ta vào tháng 10 nên phía Anh đã duy trì hoạt động bệnh viện dã chiến của họ đến thời điểm này. "Như vậy, rất thuận lợi là ta khi ta sang sẽ "tiếp quản sống" bệnh viện của Anh. Bệnh viện dã chiến của Anh cũng sẽ rút làm 2 lần, 1 lần đầu tháng 10 và một lần giữa tháng và kể cả khi rút, có để lại chuyên gia giúp Việt Nam. LHQ khẳng định đầu tháng 10 sẽ cử chuyến bay chuyển lực lượng quân y của Việt Nam từ thủ đô Juba đến địa điểm đóng bệnh viện. Đây là điều rất thuận lợi, đặc biệt trong thời điểm đang là mùa mưa ở địa phương"- Thượng tướng lưu ý.
Được biết đất nước Nam Sudan rộng gấp 3 lần Việt Nam này chỉ có 60 km đường nhựa tập trung ở thủ đô Juba, còn lại là đường đất và lối mòn. Vào mùa mưa - kéo dài 6-9 tháng, các phương tiện gần như không thể di chuyển.
Về hoạt động của tổ công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, Thượng tướng lưu ý điều rất quan trọng là tổ công tác liên ngành sẽ hoạt động như thế nào với tư cách là ban tham mưu cho Đảng, Chính phủ về hoạt động GGHB.
Cán bộ chiến sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 diễn tập các tình huống giả định tiếp nhận binh lính và người dân bị thương chuyển về - Ảnh: VOV.2
Đại tá Hoàng Kim Phụng cũng cho biết cùng với việc triển khai bệnh viện dã chiến đầu tiên, bệnh viện dã chiến cấp hai thứ hai đang được chuẩn bị để thay thế bệnh viện số 1 vào cuối năm 2019 (hiện đang tập trung tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng)
Đối với Đội Công binh (biên chế chuẩn của LHQ là 268 người), đã tổ chức huấn luyện tiền triển khai và đang tiếp tục chuẩn bị về mọi mặt, đồng thời đàm phán với LHQ để sẵn sàng triển khai vào đầu năm 2020.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất các nội dung triển khai nhiệm vụ, công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động GGHB Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam tham gia trong thời gian tới. Đồng thời ra mắt và phổ biến quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành.
Theo đó, Tổ công tác liên ngành gồm 15 người, do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm tổ trưởng; 4 tổ phó là lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Cục An ninh đối ngoại (Bộ Công an). Văn phòng thường trực là Cục GGHB Việt Nam/Bộ Quốc phòng, do Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam làm trưởng văn phòng.
Theo đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, sau gần 5 năm, Việt Nam đã từng bước triển khai lực lượng theo lộ trình đề án tổng thể mà Bộ Chính trị đã phê duyệt năm 2012, trong đó đáng chú ý là việc đã triển khai thành công nhiều sĩ quan tham gia các vị trí cá nhân tại 2 phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan (tổng số 27 lượt, sắp tới triển khai thêm 2 lượt mới tại Nam Sudan).
Bình luận (0)