Từ năm 2012 đến nay, đã có 164 bảo vật quốc gia được công nhận nhưng sức lan tỏa của những hiện vật này vẫn còn rất hạn chế. Phần nhiều bảo vật vẫn đang nằm trong kho, hiếm hoi mới được trưng bày tới công chúng.
Giấu kỹ vì chưa đủ điều kiện bảo vệ
Sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017, mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị của chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được cất kỹ trong một gian nhà kín, cửa khóa mấy lần. Du khách đến thăm chùa tuyệt nhiên không được tiếp cận với bảo vật này. Dẫn chúng tôi đi tham quan chùa ngày 19-1, Thượng tọa Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà, cho hay trước đây khách có thể thoải mái tham quan nhưng nay thì không thể như trước vì là bảo vật quốc gia nên cần chế độ bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt. Chỉ những dịp đặc biệt chùa mới mở kho cho du khách chiêm ngưỡng bảo vật này. Thực tế tương tự cũng đang diễn ra ở chùa Giám ở tỉnh Hải Dương với tòa cửu phẩm liên hoa, rất ít người dân có cơ hội được thưởng lãm, chiêm ngưỡng bảo vật. Nhà phẩm, nơi đặt bảo vật này, được khóa kín, một năm chỉ có vài dịp đặc biệt, như Tết hay ngày lễ hội mới mở cửa cho khách vào quay tòa cửu phẩm cầu an. Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho hay các bảo vật của Hà Nội như trống đồng Cổ Loa, bộ lưỡi cày đồng trong trống, chuông Thanh Mai, đèn gốm men Lam xám, Long đình gốm Bát Tràng… đang được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng Hà Nội và vào những dịp đặc biệt mới được đem ra trưng bày.
Đại đức Thích Thanh Hòa giới thiệu bảo vật mộc bản kinh Phật trong kho của chùa Bổ Đà
TS Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam, chia sẻ trên thực tế, bảo vật quốc gia phải có chế độ về bảo quản, bảo vệ đặc biệt… Khi được tôn vinh, ghi nhận thì vinh dự phải gắn kèm theo trách nhiệm và phải có đủ điều kiện để giữ gìn bảo vật ấy. Ở nước ngoài, các bảo vật quốc gia hằng năm có kinh phí riêng dành cho bảo quản, có chế độ bảo vệ đặc biệt. Ông Quân cũng ví dụ tượng Chăm ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng khi mang đi trưng bày tại nước ngoài, nó được mua bảo hiểm với giá trị lên tới 5 triệu USD. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao bức tượng này nhưng bản trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng suốt nhiều năm chỉ là phiên bản do Úc giúp phục dựng, chứ không phải là hiện vật gốc. Lý do là khu vực trưng bày của bảo tàng chưa đủ điều kiện an ninh, bảo vệ.
Rõ ràng những lo ngại về tình trạng mất mát, xuống cấp đối với các bảo vật, di vật quý giá là có thật và thực tế chứng minh chỉ cần lơ là, các cổ vật sẽ bị trộm viếng thăm, đặc biệt đối với các bảo vật không nằm trong bảo tàng mà lại nằm trong các di tích, chùa… do cộng đồng quản lý. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, pho tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt quý giá của chùa Mễ Sở (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đã bị kẻ trộm lấy mất. May mắn sau đó nó được tìm thấy ở vệ đường Quốc lộ 5B trong tình trạng đã bị trộm bẻ hết tay chân. Nhiều bảo vật khác cũng rơi vào tình trạng tương tự bởi mỗi địa phương, mỗi di tích lại có những cách bảo vệ, gìn giữ khác nhau. Nhiều bảo vật luôn phải đối diện với nguy cơ xuống cấp, mất trộm, thậm chí theo TS Phạm Quốc Quân, những hiện vật quý giá đang tồn tại trong các di tích bị đối xử thờ ơ, chưa xứng tầm.
Tôn vinh bằng nhiều cách
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi dự lễ khai mạc triển lãm "Di sản Văn hóa - sâm Ngọc Linh Kon Tum - báu vật đại ngàn" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hôm 20-1, đã đánh giá cao việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Kon Tum trong việc đưa di sản văn hóa tiêu biểu của Kon Tum cùng sản vật tinh hoa - sâm Ngọc Linh, một quốc bảo của Việt Nam, ra trưng bày. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải chuyển biến mạnh mẽ hệ thống bảo tàng Việt Nam trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên bình diện quốc tế, trực tiếp đóng góp vào phát triển du lịch.
Quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là mong muốn chung của rất nhiều chuyên gia văn hóa. Theo ông Nguyễn Tiến Đà, di sản không thể phát huy giá trị nếu chỉ nằm mãi trong kho, không được ai biết tới. Việc trưng bày thường xuyên bảo vật quốc gia là mong muốn của những người đang làm công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. TS Phạm Quốc Quân cho hay ông từng nêu ý kiến phải có hình thức để tôn vinh bảo vật trong Hội đồng Di sản quốc gia. Ví dụ, cần có hình thức tôn vinh các bảo vật thay vì tổ chức những buổi lễ đón nhận hoành tráng, tốn kém. TS Quân đề xuất có thể xây dựng một quỹ tu bổ hoặc một mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh dành riêng cho bảo vật quốc gia. Ông cho hay nhiều bảo tàng trên thế giới, khi bảo vật quốc gia khuyết trống vì đang được đưa đi trưng bày ở nơi khác, thường thông báo: "Nơi đây là chỗ trưng bày bảo vật quốc gia. Nhưng hiện vật đang đưa đi trưng bày ở nước ngoài". Ông Quân cho rằng thông tin đơn giản nhưng lại có sức hấp dẫn lớn đối người xem và tôn vinh hơn vị trí của bảo vật.
Ngoài ra, nhiều bảo tàng trên thế giới không làm các quầy lưu niệm để bán các đồ lưu niệm được sản xuất hàng loạt ngoài thị trường mà chỉ bán đồ mang đặc trưng riêng của bảo tàng, của di tích. Đó là một cách tôn vinh bảo vật thay vì chỉ lưu giữ cất kho. Các món đồ lưu niệm được làm với độ tinh xảo, chính xác, kỹ lưỡng tới từng chi tiết theo kiểu sao chép chất lượng cao, với chuẩn mực riêng các hiện vật… Theo TS Phạm Quốc Quân, các bảo tàng, di tích ở Việt Nam cũng cần phải hướng tới những kỹ thuật như vậy, chứ đừng làm hàng lưu niệm đơn thuần.
Gắn di sản với phát triển du lịch
PGS-TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng cần gắn di sản với phát triển du lịch bởi mô hình này đang trở thành xu hướng chung, mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) - nơi quản lý chùa cổ Bổ Đà, cho hay hiện huyện Việt Yên đang triển khai số hóa các mộc bản, đã hoàn thành được 30% và đến hết năm 2019 sẽ hoàn tất. Theo ông Lượng, khi có các bản sao của mộc bản, nhà chùa có thể trưng bày cho du khách chiêm ngưỡng và họ có thể tự tay trải nghiệm việc in kinh trên các bản sao. Việc này sẽ giúp lan tỏa giá trị của bảo vật.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-1
Bình luận (0)