Mỗi gia đình người Khùa ở xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đều cất giữ chiếc nỏ cẩn thận, xem đây là thứ linh thiêng. Tuy không còn phải đi săn bắn để kiếm miếng ăn nữa nhưng với thế hệ trẻ bây giờ, việc chế tác và bắn nỏ là một cách để duy trì nét văn hóa đặc trưng, phục vụ thi đấu thể thao của người Khùa...
Vật bất ly thân
Người Khùa ở xã Trọng Hóa sinh sống quanh dãy núi Giăng Màn, nơi từng tồn tại nhiều khu rừng nguyên sinh rộng lớn và lắm thú dữ. Vì thế, mỗi lần lên nương rẫy hay vào rừng thẳm để mưu sinh, trai tráng người Khùa thường mang theo những chiếc nỏ nhằm đề phòng thú dữ và kẻ gian.
Những chiếc "nỏ thần" của người Khùa ở xã Trọng Hóa
Cựu chiến binh Hồ Đeng - SN 1952, ngụ bản Ông Tú, xã Trọng Hóa - cho biết ngày xưa, đối với đàn ông người Khùa, chiếc nỏ như vật bất ly thân, luôn được mang theo bên mình để săn bắn thú rừng, chống trả thú dữ về quấy phá bản làng. Chiếc nỏ như là một bằng chứng thể hiện sức mạnh, sự oai dũng và khéo léo của người Khùa, được tuyền từ đời này qua đời khác.
Thuở nhỏ, ông Hồ Đeng từng chứng kiến nhiều phen thú dữ về quấy phá bản làng bởi xung quanh dãy núi Giăng Màn có rất nhiều cọp, báo, gấu, voi, bò tót, heo rừng... Nếu không có nỏ bắn đuổi thì không ít người trong bản đã trở thành nạn nhân của thú dữ.
Chiếc nỏ được người Khùa chế tác kỹ lưỡng
Ông Hồ Đeng kể: "Xưa kia, đàn ông, trai tráng người Khùa, người Mày ở biên giới dùng nỏ như vũ khí duy nhất để săn bắn. Người dùng nỏ quan trọng nhất là phải đi nhẹ nhàng vì tầm bắn khá gần, tránh bị con mồi phát hiện. Đối với thú lớn, trai bản thường tẩm thuốc vào mũi tên để chúng mau chóng ngã gục. Thuốc này là hỗn hợp nhựa lá hoặc rễ cây rừng, chỉ làm chết thú rừng chứ không gây độc hại cho người".
Theo ông Hồ Đeng, sở dĩ người Khùa không thích dùng cung mà dùng nỏ là do tính linh hoạt và độ chính xác của nỏ cao hơn. Với nỏ, người ta có thể vừa di chuyển vừa kéo dây, nạp tên và khi đưa lên ngắm chỉ cần nhẹ nhàng kéo lẫy, bắn không phát ra âm thanh; còn với cung thì phải dùng sức giữ sợi dây căng nên dễ bắn trượt hơn.
Diệt giặc, bảo vệ bản làng
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bên cạnh vũ khí hiện đại thì những chiếc nỏ truyền thống đã giúp người Khùa đánh đuổi, diệt trừ quân địch rất hiệu quả, trở thành nổi khiếp sợ cho kẻ thù khi đặt chân đến mảnh đất này. Lợi dụng địa hình hiểm trở, với chiếc nỏ trong tay, dù độ sát thương không cao nhưng khi tẩm chất độc vào mũi tên, loại vũ khí này cũng hiệu quả không kém gì súng đạn.
Từ xa xưa, người Khùa đã dùng nỏ để săn bắn thú dữ, tự vệ và đánh đuổi quân giặc
Trong rất nhiều tài liệu và qua lời kể của các bậc cao tuổi người Khùa, những chiếc nỏ dù thô sơ nhưng vẫn giúp đồng bào nơi đây nhiều phen chiến thắng quân địch. Từ năm 1945, lực lượng tự vệ xã Tân Việt (nay là xã Trọng Hóa) được luyện tập thường xuyên với vũ khí gồm nỏ, giáo, mác nhằm tuần tra trên tuyến biên giới giáp nước bạn Lào.
Thời điểm đó, tại Ba-Na-Phầu (Lào) có một đồn lính Pháp, thường xuyên tổ chức các đợt càn quét, khiêu khích ở vùng biên giới. Do đó, một trung đội tự vệ người Khùa của xã Tân Việt đã lên phối hợp với bộ đội, dân quân để đánh đuổi giặc.
"Nỏ thần" từng khiến giặc Pháp, Mỹ khiếp đảm vì những trận đánh du kích trong rừng sâu của người Khùa. Tận dụng địa hình, trai tráng trong bản trở nên những xạ thủ khiến giặc hoảng loạn, nhiều tên phải bỏ mạng giữa rừng sâu, khiến chúng khiếp hãi không dám ngông nghênh càn quét bản làng...
Hồ My - thanh niên người Khùa - đạt nhiều thành tích trong bộ môn bắn nỏ
Hồ My - một thanh niên người Khùa ở bản Ka Óoc - vừa là vận động viên (VĐV) vừa là nghệ nhân chế tác nỏ có tiếng ở huyện Minh Hóa. My thường nhận làm rất nhiều chiếc nỏ cho các VĐV thi đấu bộ môn này ở huyện. Các VĐV dùng nỏ của My làm thường đạt điểm thi đấu rất cao. Dù không dùng để thi đấu thể thao nhưng rất nhiều người trong và ngoài tỉnh đã đặt hàng My chế tác những chiếc nỏ để rèn luyện sức khỏe, làm kỷ niệm...
Thoạt nhìn, nỏ của người Khùa rất đơn sơ, giản dị. Song, để làm được một chiếc nỏ tốt thì rất kỳ công. Theo Hồ My, chiếc nỏ truyền thống của người Khùa thường có 4 bộ phận chính, gồm: thân, cần, dây và mũi tên.
Hồ My cho biết anh học được cách chế tác nỏ từ những già làng trong vùng. Từ khi tham gia thi đấu bộ môn bắn nỏ, anh đã có một vài cải tiến và nắm được nhiều "bí quyết" để nỏ có lực bắn mạnh, tính đàn hồi tốt và độ chính xác cao.
Môn thể thao "vua" của người Khùa
Bắn nỏ là môn thể thao truyền thống đã được huyện Minh Hóa đưa vào thi đấu tranh giải cấp huyện trong nhiều năm qua, nhất là dịp Hội Rằm tháng 3. Khoảng 15 năm nay, hầu như năm nào đoàn thi đấu bộ môn bắn nỏ của người Khùa cũng đều đoạt giải nhất.
Những VĐV nam, nữ người Khùa tại một giải thi đấu bắn nỏ cấp huyện
Bắn nỏ đã trở thành môn thể thao "vua" của người Khùa. Vài năm gần đây, nhiều VĐV bắn nỏ người Khùa ở xã Trọng Hóa luôn được tỉnh Quảng Bình chọn lựa để tham gia thi đấu ở các giải khu vực miền Trung và miền Bắc.
Bình luận (0)