Thêm một chiếc tàu cổ vừa được phát hiện ở vùng biển Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi. Trong lúc nạo vét, thông luồng cảng biển ở cảng Hào Hưng, thuộc thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận - gần xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vào cuối tháng 7-2017, đơn vị thi công phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ và ván tàu nên có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Nhiều cổ vật còn nguyên vẹn
Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường trước khi tiến hành khai quật con tàu cổ. Theo báo cáo bước đầu, tàu cổ vừa phát hiện có chiều dài 20-30 m, trên thân có nhiều chồng gốm sứ với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau, có niên đại khoảng thế kỷ XV-XVI.
Cổ vật trong con tàu đắm vừa phát hiện ở vùng biển Bình Châu, Quảng Ngãi
Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, tàu cổ được phát hiện nằm cách bờ biển Bình Châu khoảng 6-7 m, ở độ sâu khoảng 9 m. TS Khôi nhận định nhiều khả năng đây là con tàu chứa cổ vật có giá trị nhất từ trước đến nay được tìm thấy ở xung quanh vùng biển Bình Châu.
Hàng loạt cổ vật được khai quật từ con tàu cổ năm 2013
"Những mảnh gốm sứ thu được từ con tàu cổ này thuộc dòng gốm sứ xanh - trắng, có từ cuối thế kỷ XV đầu XVI. Dù dòng gốm này xuất hiện muộn nhưng rất hiếm được tìm thấy. Đây là dòng gốm có giá trị to lớn về mặt văn hóa" - TS Khôi hào hứng.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp thống nhất sẽ tiến hành khai quật khẩn cấp tàu cổ trước ngày 20-9 tới nhằm tránh thời tiết mưa bão. Phương pháp thực hiện khai quật sẽ sử dụng thợ lặn mang theo ống lặn và máy quay định vị nhằm thu thập thông tin tàu cổ… Cổ vật sau khi trục vớt được sẽ xử lý sơ bộ, lập hồ sơ bảo quản theo quy định.
"Qua những cổ vật thu được từ tàu cổ mới phát hiện, rất nhiều thứ còn tốt, nguyên vẹn dù đã trải qua hàng trăm năm. Cũng giống như nhiều con tàu khác, nhiều khả năng đây là một thương thuyền, trên chuyến hải trình Bắc - Nam khi đi qua Quảng Ngãi (vùng biển Sa Cần thời xưa) thường ghé vào đây lấy nước ngọt hoặc tránh thời tiết xấu đã gặp nạn. Bởi vậy, trong thời gian qua mới có nhiều tàu cổ được tìm thấy xung quanh vùng biển Bình Châu" - TS Đoàn Ngọc Khôi phân tích.
"Nghĩa địa tàu cổ"
Vùng biển xung quanh xã Bình Châu, Bình Hải, huyện Bình Sơn được ví như "nghĩa địa tàu cổ". Nơi đây có hàng loạt tàu cổ được phát hiện có các cổ vật gốm sứ niên đại đến 700-800 năm trước. Chỉ tính từ năm 2009 tới nay, tỉnh Quảng Ngãi đã khai quật 2 con tàu cổ ở vùng biển này, thu về hơn 5.000 hiện vật có giá trị khác nhau.
Bên cạnh đó, một con tàu cổ khác đã được tìm thấy nhưng chưa khai quật, một tàu vừa được phát hiện và chuẩn bị khai quật như đã nêu trên. Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, vùng biển Bình Châu còn có nhiều vết tích tàu cổ khác. "Hàng chục địa điểm do ngư dân địa phương phát hiện có mảnh ván tàu, gốm sứ nghi tàu cổ bị đắm nhưng chưa được cơ quan chức năng thăm dò, khảo sát" - ông Khôi cho biết.
Năm 2009, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với một công ty của Cục Hàng hải Việt Nam trục vớt một con tàu cổ ở thôn Châu Tân, xã Bình Châu. Kết quả trục vớt thu về hàng ngàn hiện vật gồm các đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ đá… có niên đại từ thế kỷ XVII. Hiện toàn bộ số cổ vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
Đến năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với một đơn vị tư nhân tổ chức khai quật một con tàu cổ tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu và thu về gần 5.000 hiện vật khác nhau. Trong số đó, đáng chú ý là chiếc đĩa men ngọc hình rồng độc bản, hàng ngàn đĩa celeron và rất nhiều đĩa gốm tráng men ngọc, men nâu khác nhau. Sau đó, toàn bộ số cổ vật trên được phân chia theo tỉ lệ doanh nghiệp khai quật 67%, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi 33%.
Nói về loại đĩa men ngọc hình rồng khai quật được, TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết đây là đĩa duy nhất được tìm thấy trên tàu cổ, cũng là đĩa duy nhất chỉ có ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. "Thời xa xưa, loại đĩa này thường dùng cho vua chúa và số lượng rất hiếm nên việc tìm thấy đĩa men ngọc còn nguyên vẹn cực kỳ có giá trị" - TS Khôi nhìn nhận.
Kỳ tới: Kho tàng dưới biển Cù Lao Chàm
Nhiều di sản khảo cổ
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia khảo cổ dưới nước, cho biết vùng biển Bình Châu và phụ cận tích hợp rất nhiều giá trị về mặt di sản văn hóa. "Nơi đây rất có giá trị về khảo cổ học. Rất nhiều di sản khảo cổ đã được tìm thấy. Vùng biển Bình Châu còn nhiều con tàu bị vùi lấp có niên đại khác nhau. Vùng biển này còn có giá trị to lớn về di sản địa chất với những lớp trầm tích núi lửa gần bờ đặc biệt hiếm hoi trên thế giới" - ông Lâm nhận xét.
Bình luận (0)