Câu hỏi từ thời niên thiếu
Osama Qawareed kể rằng khi mới 12 tuổi, trong sách lịch sử có 1 bài học về những quốc gia đã giành được độc lập và thống nhất đất nước sau nhiều năm chiến tranh đau khổ, trong đó có Việt Nam. "Palestine là một quốc gia chưa độc lập hoàn toàn. Bài học đó nói chung và bài nói về cách mạng Việt Nam đã thu hút tôi, khiến tôi bắt đầu cảm thấy tò mò và muốn biết nhiều hơn về Việt Nam, về văn hóa, con người Việt Nam"-anh Qawareed chia sẻ.
Osama Qawareed thời niên thiếu
Cách đây 11 năm, ở khu nhà của Qawareed chưa có internet nên anh chỉ có thể cố gắng tìm đọc những cuốn sách nói về Việt Nam. Nhưng, đáng tiếc là ở đó cũng không có nhiều sách viết về Việt Nam bằng tiếng Ả rập. Lúc đó, tiếng Anh của Qawareed cũng chưa đủ giỏi để đọc được những cuốn sách về Việt Nam. Nỗi tò mò về Việt Nam vì thế vẫn luôn hiện hữu trong chàng trai trẻ người Palestine.
Sau khi tốt nghiệp trung học ở Palestine với điểm số rất cao, đứng thứ 3 của cả thành phố, Osama Qawareed được nhiều học bổng ở cả trong nước và nhiều trường đại học của nhiều nước trên thế giới, trong đó có trường của Mỹ. "Thực ra, tôi có anh trai ở Mỹ và nhiều bạn bè ở nước ngoài. Thế nhưng, khi phải chọn giữa việc đến Việt Nam hay sang những nước rất phát triển như Mỹ, tôi đã không mất một giây nào suy nghĩ mà chớp lấy "cơ hội vàng" để chọn ngay Việt Nam. Tôi cảm thấy rất may mắn vì nhận được một học bổng sang Việt Nam học vì quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Palestine rất phát triển"- anh Qawareed chia sẻ về quyết định mà nhiều người cho là "khó hiểu" của mình.
Osama Qawareed luôn tin tưởng vào quyết định của mình
Gia đình mới ở Việt Nam
Nhắc lại ngày đầu tiên sang Việt Nam cách đây hơn 6 năm, ngày 25-11-2011, Osama Qawareed nói đây là một ngày không thể quên được trong cuộc đời anh. Khi mới sang, anh theo học tiếng Việt ở Khoa Việt Nam học thuộc trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn trong 1 năm rồi chuyển sang khoa Việt Nam học của trường Đại học Hà Nội.
Anh đã đi rất nhiều nơi cở Việt Nam, từ Nha Trang (Khánh Hòa)...
... Ninh Bình...
... đến Sa Pa (Lào Cai)
Cá nhân anh rất thích học ngôn ngữ nhưng khi mới sang Việt Nam, tháng đầu tiên vẫn là tháng khó khăn nhất. Đây cũng là tháng quyết định việc anh có phù hợp với việc học tiếng Việt hay không, có giỏi tiếng Việt hay không. Lúc đó, mỗi ngày anh học tiếng Việt 3 tiếng ở trường, sau đó về nhà lại giở lại bài học ở trường ra để học lại, ngoài ra còn đi gặp gỡ, giao lưu bạn bè vì dù có là sinh viên giỏi nhất lớp nhưng đi ra ngoài, theo Qawareed thì, không biết nói thì vẫn "chết". "Trong tháng đó, tôi đã nỗ lực làm tốt nhất mọi công việc mình có thể làm để đi bước đầu tiên trong việc học tiếng Việt"-anh kể.
"Học tiếng Việt không chỉ giúp tôi giao lưu được hay sống được ở Việt Nam mà học tiếng Việt còn là phương thức để tôi hiểu được rõ hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Biết được văn hóa Việt Nam, tôi mới có thể tôn trọng người Việt Nam. Không biết văn hóa, cách suy nghĩ của người bản địa thì làm sao mà tôn trọng họ được. Đây là điều rất quan trọng và sau thời gian ở Việt Nam thì tôi biết được điều này"- anh Qawareed nói.
Khi mới sang Việt Nam và học tiếng Việt, tiếp xúc với một đất nước mới, một nền văn hóa mới, một ngôn ngữ mới ở rất xa quê hương tất cả đều rất khác lạ với một cậu thiếu niên chưa từng ra nước ngoài, Osama Qawareed cảm thấy rất lạ. Tuy nhiên, sau khi đã học tiếng Việt, anh đã hiểu hơn về văn hóa của người Việt và bắt đầu nhận thấy có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa của Việt Nam với văn hóa của Palestine như việc tôn trọng người lớn tuổi, lòng hiếu khách hay tình yêu quê hương, đất nước. "Người Việt rất yêu nước và người Palestine chúng tôi cũng thế. Như Bác Hồ nói: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", người Palestine cũng tin vậy"- anh nói.
Osama vui vẻ cho biết hơn thế, hiện nay, anh đã có một gia đình ở Việt Nam, gia đình đó cũng như gia đình của anh ở Palestine , cũng có bố, có mẹ, anh chị. Điều này khiến anh ngày càng say mê đất nước và con người Việt Nam. Trước đó, anh có một người bạn thân và người bạn thân này đã giới thiệu anh với gia đình của bạn, dần dà, gia đình người bạn đã trở thành gia đình thứ 2 của anh. Mặc dù anh là người nước ngoài nhưng với họ, anh đã là người nhà chứ không phải người lạ hay chỉ là người bạn.
Hiện nay anh đã trở thành một nhà ngoại giao trẻ
Anh Qawareed chia sẻ mình rất may mắn được trở thành một nhà ngoại giao sau 5 năm học ở Việt Nam . Đây là một vinh dự lớn vì anh muốn trở thành cầu nối cho quan hệ bạn bè truyền thống giữa Việt Nam và Palestine, đóng góp tích cực cho sự phát triển mối quan hệ này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị tới kinh tế, văn hóa…
"Tôi hy vọng sẽ được tiếp tục ở Việt Nam nhưng công việc của một nhà ngoại giao là sẽ phải đi một số nước khác nhau. Nhưng dù có đi đâu thì tôi cũng sẽ vẫn luôn nhớ về Việt Nam, dù có đi đâu thì Việt Nam vẫn luôn chiếm một phần trong trái tim tôi. Ở đây thì tôi nhớ Palestine nhưng khi ở Palestine thì tôi lại nhớ Việt Nam vì Việt Nam đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi"- Osama Qawareed đặt tay lên phía trái tim, chân thành.
Ăn Tết ở Việt Nam rất vui
Osama Qawareed cũng cho biết anh đã đi gần như khắp đất Việt, từ Sa Pa cho đến Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Sang Việt Nam 6 năm thì anh đã 3 lần ăn Tết cổ truyền ở Việt Nam. "Ăn Tết ở Việt Nam rất vui vì tôi đã có gia đình ở Việt Nam, có bố mẹ, anh, chị ở Việt Nam, khiến tôi cảm thấy như ở nhà. Tôi cũng biết được rằng Tết là thời gian của gia đình, là dịp để mọi người về quê, tụ họp". Năm nay, nhân được nghỉ dài ngày, Osama Qawareed cho biết có thể sẽ đi Indonesia du lịch. "Nhưng trước khi đi, tôi phải có một bữa cơm Tất niên với gia đình người Việt. Không thể đi du lịch mà chưa gặp để chúc mừng năm mới với gia đình được"- anh nói.
Bình luận (0)