Chương trình hành động đã xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu đến năm 2025, đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra.
Hà Nội sẽ khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô trong thời gian tới - Ảnh: Hữu Hưng
Các nội dung chính của Chương trình hành động số 16-CTr/TU, gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thành hệ thống đường vành đai, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô.
Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế
Thành ủy Hà Nội xác định tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Đối với nhiệm vụ, giải pháp "Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực", Chương trình hành động của Thành ủy chỉ rõ 6 nội dung cụ thể. Trong đó, Hà Nội xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…) gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hà Nội xác định không ngừng nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và kinh tế số trong GRDP; năng suất lao động tăng bình quân: Năm 2025 đạt 7-7,5%, năm 2030 đạt 7,5%; đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố.
Đáng chú ý, thành phố sẽ ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước...
Cũng theo chương trình hành động, Hà Nội sẽ tập trung phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô thông qua nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình "Hội tụ tinh hoa và cộng hưởng sức mạnh văn hóa Quốc gia" với nhiều nội dung, cách thức thể hiện phong phú.
Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô (hệ thống nhà hát, quảng trường, tượng đài, công viên, tổ hợp thể thao, trung tâm hội chợ triển lãm…); các thiết chế văn hóa thể thao ở các trục không gian văn hóa kết nối giữa các địa phương. Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hoá, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn. Hằng năm, thành phố bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách để chi đầu tư cho văn hóa; tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khép kín các đường vành đai, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế
TP Hà Nội sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai (đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5), hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistics hiện đại.
Đối với phát triển đô thị, thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.
Hà Nội cũng sẽ quyết liệt triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D, hư hỏng xuống cấp hết niên hạn và một số khu chung cư được lựa chọn để đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tạo tác động lan tỏa.
Hoàn thiện chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô
Thành ủy Hà Nội chỉ rõ phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, Hà Nội sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định đang còn vướng mắc, bất cập; trọng tâm là tiến hành tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thủ đô nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng…
Trước mắt, trong thời gian Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa được ban hành, tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho Thủ đô.
Chương trình hành động cũng nêu cụ thể định hướng nghiên cứu, đề xuất theo 3 nhánh gồm: Thể chế; cơ chế, chính sách và cơ chế phân cấp, phân quyền.
Bình luận (0)