Anh Nguyễn Hữu Huy Hào (26 tuổi, ngụ Cà Mau) đã có một nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn: Biến bùn thải từ các nhà máy sản xuất thủy sản thành đất sạch.
Với việc sản xuất đất sạch từ bùn thải, anh Nguyễn Hữu Huy Hào không chỉ tạo ra sản phẩm tốt cho cây trồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dùng thứ bỏ đi làm nguyên liệu
Hào cho biết Cà Mau có rất nhiều công ty chế biến thủy sản. Song, việc các nhà máy này xả chất thải ra môi trường có bảo đảm hay không là câu hỏi khiến anh bắt đầu quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu từ khi còn là chàng sinh viên Khoa Môi trường Trường ĐH Cần Thơ, nhất là khi biết được hiệu quả của việc xử lý bùn thải mang lại nguồn hữu cơ rất tốt cho cây trồng.
Năm 2016, trong quá trình làm thí nghiệm với các thầy cô trong khoa về việc xử lý nước thải chế biến thủy sản, Hào nhận thấy khi xử lý xong thì nước thải đạt chuẩn được xả ra môi trường, lượng bùn thải lắng đọng còn lại cũng cần được xử lý tiếp theo. Thầy cô hướng dẫn cho biết chất cặn lắng đọng sau khi xử lý nước thải chứa rất nhiều chất hữu cơ nhưng để lắng đọng lâu ngày không được xử lý sẽ gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Lúc này, Hào đã nghĩ ra ý tưởng sẽ tận dụng bùn thải lắng đọng đó để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng rau sạch và hoa kiểng.
Từ đó, Hào cùng một người bạn, học tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, đã nghiên cứu thành công dự án biến bùn thải thành đất sạch. Dự án này đã đoạt giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" nằm trong Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan; đoạt giải nhì cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên" lần thứ nhất do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào năm 2017.
Năm 2018, Hào thành lập Công ty TNHH Xử lý môi trường Nguyễn Trần, chuyên xử lý bùn thải thành đất sạch hoặc phân bón. Công ty của Hào đã liên kết với nhiều doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau vì nơi đây có lượng bùn thải ổn định để làm nguồn nguyên liệu đầu vào. Vị giám đốc trẻ này cho biết: "Để xử lý ra được 1 tấn đất sạch thì cần 10-15 tấn bùn thải. Vì vậy, cơ sở xử lý của tôi phải đặt gần các công ty thủy sản lớn ở Cà Mau để tiện vận chuyển. Những công ty này trả một khoản phí nhỏ vì chúng tôi giúp họ xử lý lượng bùn thải. Riêng lượng bùn thải - nguyên liệu đầu vào dùng làm đất sạch, chúng tôi không tốn xu nào để mua".
Anh Nguyễn Hữu Huy Hào bên vườn dưa lưới trồng trong nhà kính sắp thu hoạch
Góp phần bảo vệ môi trường
Với lượng bùn thải có được, Hào dùng công nghệ vi sinh ủ và khử khuẩn để biến thành đất sạch hoặc phân bón cho cây. Quy trình tái chế bùn thải thành đất sạch trải qua 3 giai đoạn, gồm: tách nước, khử UV và bổ sung vi sinh cho thành sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, như đất hoặc phân, tùy vào mục đích sản phẩm để có loại vi sinh phù hợp.
"Bùn thải của công ty chế biến tôm có chứa đầu, vỏ, chỉ tôm... Phần này được xử lý thành đất trồng hoàn toàn chứa chất dinh dưỡng là hữu cơ. Ngoài việc giúp tăng trưởng tốt cho cây trồng, đất làm từ bùn thải còn giúp khôi phục dinh dưỡng cho những vùng đất bạc màu, rất thân thiện với môi trường" - Hào phân tích.
Năm 2018, sản phẩm đất sạch hữu cơ Nata của Hào được nhiều cơ quan chức năng tại Cần Thơ hỗ trợ quảng bá nên luôn có khách hàng ổn định. Trung bình mỗi tháng, công ty của Hào bán 20-30 tấn đất hữu cơ khô và đất trồng. Nhiều nông trại ở ĐBSCL tin tưởng dùng đất hữu cơ Nata. Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc đi chào hàng, tiếp thị hạn chế, Hào chuyển hướng sang bán cho các nông trại với giá ưu đãi hơn nhưng tiêu thụ được số lượng lớn nên thời gian qua, đất sạch của công ty vẫn được phân phối đều đặn. Anh nhìn nhận: "Vấn đề cốt lõi ở đây là khi mình bán được nhiều sản phẩm đất sạch thì lượng bùn thải được xử lý đạt hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường rất lớn".
Dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao
Từ thành công của đất sạch Nata, năm 2018, Hào mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Anh tiến hành xây dựng nhà kính, trồng dưa lưới hữu cơ trên vùng đất mặn Cà Mau, sau đó nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành ĐBSCL.
Hiện nay, Hào có 10 trang trại trồng dưa lưới với tổng diện tích khoảng 12.000 m2. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở trồng dưa lưới cho thu hoạch 10-12 tấn, phân phối ở các siêu thị tại các thành phố và xuất khẩu. Nhờ vậy, giá cả sản phẩm ổn định, lợi nhuận cao.
Bình luận (0)