UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo TP Biên Hòa và các sở - ngành liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục và bồi thường giải phóng mặt bằng để nhanh chóng khởi công dự án đường ven sông Đồng Nai, dự án đường ven sông Cái và dự án đường trục trung tâm TP Biên Hòa.
Quy định mốc thời gian cụ thể
Chỉ đạo trên của UBND tỉnh Đồng Nai xuất phát từ việc cả 3 dự án trên dù đã được khởi động từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công. Trong khi các dự án này được xem là "tối quan trọng" đối với diện mạo của đô thị Biên Hòa trong tương lai.
Cụ thể, dự án đường ven sông Đồng Nai có tổng chiều dài 5,2 km, kéo dài từ cầu Hóa An - TP Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu. Đây là dự án nhằm nâng cấp con đường ven sông Đồng Nai vốn nhỏ hẹp lên 24 m lòng đường và vỉa hè mỗi bên 5 m. Bên cạnh đó, dọc tuyến đường còn có hệ thống bờ kè bảo vệ sông và công viên. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là hơn 1.300 tỉ đồng. Với dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai giao TP Biên Hòa hoàn thành phê duyệt bồi thường trong năm nay. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án đường ven sông Đồng Nai. Dự kiến công trình sẽ thực hiện tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng trong năm 2021.
Dọc sông Đồng Nai hướng từ cầu Hóa An lên giáp ranh huyện Vĩnh Cửu sẽ là nơi thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Dự án đường ven sông Cái, nối đường Hà Huy Giáp (thuộc phường Quyết Thắng) ven theo nhánh sông đến đường Trần Quốc Toản (phường An Bình, TP Biên Hòa). Dự án này được thông qua chủ trương với tổng kinh phí hơn 3.900 tỉ đồng, có hơn 500 hộ dân phải di dời, tái định cư. Đường sẽ có bề ngang 32 m, đặc biệt có 5 cây cầu xây dựng mới gồm: Chìm Tàu, Tân Mai, Bà Bột, Rạch Gió, Suối Linh. Ở dự án này, tổng diện tích đất phải thu hồi gần 30 ha của 480 hộ gia đình cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, trong đó khoảng 350 hộ giải tỏa trắng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND TP Biên Hòa khẩn trương áp giá và phê duyệt những hồ sơ đã hoàn thành kiểm đếm trong năm 2021 và phê duyệt thửa đất còn lại trong đầu năm 2022.
Dự án đường trục trung tâm TP Biên Hòa dài hơn 5 km, tổng vốn đầu tư hơn 3.130 tỉ đồng. Đây là dự án giao thông lớn, vắt từ trục đường Võ Thị Sáu đang nhộn nhịp hiện nay về phía cầu Hiệp Hòa bắc qua nhánh sông Đồng Nai, thông sang hướng cù lao Hiệp Hòa (cù lao Phố) về ngã tư Vũng Tàu, KCN Biên Hòa 2 và Quốc lộ 51. Đây là dự án có thể nói là được người dân chờ đợi nhất. Để triển khai dự án này, phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 33 ha, trong khu vực có khoảng 10 ha đất lúa cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện tỉnh Đồng Nai đang giao TP Biên Hòa thực hiện đo vẽ thiết kế, rà soát hoàn chỉnh hồ sơ dự án. Trong dự án đường trục trung tâm TP Biên Hòa có dự án thành phần quan trọng là cầu Thống Nhất. UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Ban Quản lý dự án tỉnh tách hồ sơ thiết kế và dự toán cầu Thống Nhất để đấu thầu trước nhằm khởi công trong quý I/2022.
Đánh thức tiềm năng "ngủ quên"
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn triển khai 3 dự án quan trọng trên, để góp phần tạo đột phá cho sự phát triển của tỉnh cũng như chỉnh trang nhằm tạo nên diện mạo mới cho TP Biên Hòa. "Cần tăng tốc tập trung hỗ trợ về mặt thủ tục, hoàn tất hồ sơ để sớm tiến hành xây dựng. Vì đây là điểm mấu chốt, khi thực hiện được các dự án này thì cũng dễ dàng hơn trong việc mời gọi đầu tư tạo sức bật cho đô thị, xây dựng các khu dân cư, thương mại, vui chơi - giải trí, dịch vụ cao cấp..." - ông Cao Tiến Dũng nói.
Theo định hướng quy hoạch, thời gian tới, bên cạnh các công trình, dự án ven sông phục vụ mục đích công cộng, các dự án khu đô thị ven sông Đồng Nai cũng sẽ được triển khai. Đối với 3 dự án nói trên, dự kiến thực hiện trong 5 năm, theo phương án sử dụng nguồn vốn từ nguồn đấu giá đất công.
Theo quan sát, 2 trong 3 dự án nói trên gần như có điểm giao cắt, tiếp nối nhau tại ngã ba sông Đồng Nai và sông Cái, nhánh sông ôm trọn cù lao Phố - nơi lưu dấu bến cảng sầm uất 300 năm trước, khi mới hình thành xứ Trấn Biên, nay là khu vực có chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát… Dự án còn lại dọc sông nằm chếch hơn một chút về thượng lưu. Với vị trí địa lý này, giới kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai cho rằng là đô thị có sông, TP Biên Hòa có thể phát huy những giá trị này để tạo cảnh quan, điểm nhấn kết hợp mục tiêu kép - phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường sông Đồng Nai. Với phương hướng đó, khi cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông, tỉnh Đồng Nai thực hiện chính sách trước mắt sử dụng nguồn vốn từ đấu giá đất công là hoàn toàn hợp lý. Bởi hiện tại, đất dọc hai bên sông Đồng Nai được xem là quỹ đất vàng để phát triển các khu đô thị ven sông.
Khi trục đường trung tâm, rồi đường ven sông Cái cũng gần đó, bên kia một chút là đường ven sông về Vĩnh Cửu hoàn thành, ngoài làm thay đổi diện mạo thì 3 con đường trên sẽ góp phần đánh thức tiềm năng, nhất là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ của đô thị Biên Hòa.
Kêu gọi đầu tư 3 dự án giao thông "khủng"
Theo danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài (FDI) giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Đồng Nai có 3 dự án trong lĩnh vực giao thông mời gọi doanh nghiệp FDI đầu tư với số vốn lên hàng tỉ USD.
Cụ thể, dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, chiều dài hơn 39 km kéo dài từ Đồng Nai qua Bình Dương và TP HCM, tổng vốn đầu tư gần 2.977 tỉ USD. Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối đường sắt quốc gia với cảng Cái Mép và các cảng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài 84 km; dự án được chia 2 giai đoạn để thực hiện, tổng vốn đầu tư 2,47 tỉ USD (thuộc Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn từ Dầu Giây đến huyện Tân Phú), tổng chiều dài 60 km, quy mô 4 làn xe, vốn đầu tư 268 triệu USD.
Bình luận (0)