Trưa 8-8, khi bầu trời xuất hiện mây đen cũng là lúc những người có việc sắp phải qua lại ngã ba Trảng Dài (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lại lo sốt vó. Họ lo là không khéo sẽ không kịp về nhà, xe cộ hư hỏng cũng như "bít đường" đi lại mua sắm nhu yếu phẩm trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Cứ thấy mây đen là hoảng
Ông Nguyễn Văn Tuấn (chuyên buôn bán nông sản) nhà ở khu vực trên nói cứ vào mùa mưa là ông khổ trăm bề, vì mọi hoạt động bị đình trệ. Dẫn chứng mới nhất, ông Tuấn cho hay trong cơn mưa chiều giữa tháng 7 vừa qua, tại khu vực ngã ba Trảng Dài (đường Đồng Khởi giao với Bùi Trọng Nghĩa) phút chốc đã biến thành sông. Lúc này, ông theo dòng xe từ khu vực hầm chui Tân Phong phía ngã tư Amata để về nhà thì rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Dưới hầm khô ráo nhưng lên trên là một cảnh vô cùng hỗn loạn. Nước ngập như sông, chảy như thác ở một số cống bên đường và tràn cả vào nhà dân. "Tình cảnh là vậy nhưng vẫn phải về nhà lấy hàng giao cho khách. Thế nhưng, dù cố gắng đến mấy thì vẫn chịu thua bởi nước ngập lênh láng lại thêm kẹt xe nên đành phải hủy không ít đơn hàng" - ông Tuấn nói.
Trong cơn mưa chiều giữa tháng 7, không chỉ khu vực ngã ba Trảng Dài mênh mông nước mà trên đường Bùi Trọng Nghĩa, nhiều nhà 2 bên đường bị ngập. Người dân nơi đây cho hay nhiều năm nay, cứ thấy mây đen kéo đến là họ phát hoảng, bởi chỉ cần mưa 30 phút là con đường… chìm sâu. "Cứ mưa lớn là tôi phải mang áo mưa đứng túc trực ở cống thoát nước gần nhà, cùng nhiều người canh ở các cống khác để thu gom rác, tránh làm tắc nghẽn thêm. Nước tràn cả vào nhà, người khổ sở, xe chết máy hàng loạt rất mệt mỏi…" - ông Chiến, nhà trên đường Bùi Trọng Nghĩa, nói.
Cơn mưa kéo dài khoảng 1 giờ vào giữa tháng 7 vừa qua, khiến đường Đồng Khởi (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chìm trong biển nước
Trong khi đó, trên đường Đồng Khởi (đoạn qua phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) chỉ sau vài chục phút trời đổ mưa lớn là xe khó lưu thông. Đây là trục đường chính yếu, phương tiện từ các nhà máy, công sở đổ ra rất đông nên cảnh kẹt xe do ngập nước sau mưa xảy ra thường xuyên. "Nước tạo thành dòng chảy xiết, xe cộ kẹt cứng, nhiều bữa phải chờ hơn 1 giờ sau mưa nước rút mới có đường về nhà" - anh Nguyễn Văn Thành, nhân viên một ngân hàng đóng trên đường Đồng Khởi, chia sẻ.
Cùng thời điểm, tại khu vực cổng 11 (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa), chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng xe cộ hỗn loạn từ các hướng, dồn ứ và chôn chân tại chỗ, có chỗ nước sâu gần cả mét. Đây là khu vực rất trũng, dù đường được sửa sang cơi nới nhưng hệ thống chống ngập không hữu hiệu, nước mưa từ các khu vực với các con dốc xung quanh đổ dồn về vùng trũng, trong thời gian ngắn khi mưa xuống là các dòng xe đã rối loạn. Ghi nhận trong cơn mưa giữa tháng 7, tại TP Biên Hòa còn hàng loạt cung đường ngập khiến vạn người than trời, giao thông rối loạn. Trong đó, có thể kể đến khu vực ngã tư Vũng Tàu (phường Long Bình Tân), Quốc lộ 1 (phường Tân Biên), đường Phạm Văn Thuận (phường Bình Đa)…
Nhiều dự án đưa ra rồi... để đó
Theo Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, từ nhiều năm nay, chống ngập là vấn đề nóng tại tỉnh Đồng Nai. Nguyên nhân xuất phát từ tốc độ đô thị hóa nhanh, nhà cửa xen lấn làm tắc nghẽn dòng chảy, quy hoạch hạ tầng không theo kịp quá trình đô thị hóa. "Trong tất cả dự án chống ngập, TP Biên Hòa hy vọng nhất là dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải do Trung tâm Thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được" - một cán bộ TP Biên Hòa thông tin. Vị này còn nói trước việc TP Biên Hòa trở thành rốn ngập, nhiều năm trước, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng tình trạng ngập vẫn tái diễn theo kiểu dập chỗ này, nảy chỗ kia. Lý do là nhiều dự án đưa ra rồi… để đó!
Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai lại cho hay năm 2021, trong 9 dự án được giao cho đơn vị này làm chủ đầu tư có nhiều dự án liên quan chống ngập thoát nước, hiện đang gặp khó chưa thể triển khai, nguyên nhân chủ yếu là do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy mới đây, đơn vị này đã có văn bản kiến nghị UBND TP Biên Hòa chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng một số vị trí thuộc dự án chống ngập khu vực các suối: Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan - đây là một trong những cụm dự án quan trọng chống ngập cho TP Biên Hòa, để sớm triển khai thực hiện.
Ba tuyến suối nói trên có tổng chiều dài 5 km, trong đó tuyến suối Chùa chảy qua phường An Hòa, suối Bà Lúa chảy qua phường Long Bình Tân dài 2,6 km và tuyến suối Cầu Quan tại phường Phước Tân dài 2,4 km. Để thực hiện dự án này, TP Biên Hòa phải giải tỏa 473 hộ dân, nhưng đến thời điểm này chỉ mới phê duyệt phương án bồi thường 231/473 hộ tương đương với số tiền trên 100 tỉ đồng. Trong đó, chỉ mới có 100 hộ nhận tiền bồi thường với số tiền hơn 40 tỉ đồng. "Lẽ ra các dự án này đã được khởi công hơn một năm nay nhưng hiện tại vẫn nguyên hiện trạng. Theo dự kiến ban đầu, cụm dự án này trước đó còn được đề ra kế hoạch thực hiện sớm hơn, với dự định khởi công từ cuối năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020, thế nhưng lại liên tục hoãn" - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai phân tích. Đơn vị này cho hay để tiến độ giải phóng mặt bằng kéo dài, chi phí bồi thường tăng và số vốn đầu tư cũng đội lên. Vì vậy, đơn vị này đang làm thủ tục trình Sở Xây dựng, hội đồng thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, thúc đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bình luận (0)