Có thể điểm danh những vùng biển đã và đang bị lăm le trút bùn thải: Hải Phòng, Quy Nhơn, Bình Thuận, Vũng Tàu... Không ồn ào như vụ đề nghị trút bùn thải của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận nhưng từ nhiều năm trước, vùng biển Hải Phòng đã được các cơ quan chức năng cho trút xuống 36 triệu m3 bùn thải nạo vét từ cảng Lạch Huyện. Còn từ năm 2011 đến nay, biển Vũng Tàu cũng nhận 21 triệu m3 bùn thải. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã quy hoạch xong bãi đổ bùn thải trên biển để chứa khoảng 50 triệu m3 bùn thải nạo vét trong thời gian tới. Số bùn trên nếu đổ trên đất liền có thể lấp kín cả một thị trấn.
Tất nhiên, quy trình để các cơ quan cấp bộ và UBND tỉnh cấp phép đổ chất thải luôn được biện giải đâu vào đó và không ít cơ quan chuyên ngành cũng đã được lấy ý kiến đồng thuận song chắc chắn phần đông người dân sẽ không chấp nhận những phương án có thể gây ảnh hưởng môi trường, môi sinh biển như trên. Người cấp phép, đồng thuận có lẽ chẳng bao giờ bước chân hoặc ngâm mình ở những vùng biển này nên không mấy áy náy, lo ngại khi đặt bút ký vào các dự án xả thải nguy hại. Trong khi người dân sinh sống tại các vùng biển này thì biết tất cả và rất bức xúc nhưng chẳng thể kêu được.
Đừng biến biển thành bãi rác - Đồ họa: Lê Duy
Chẳng ai muốn môi trường sống vốn trong lành, chốn mưu sinh bao đời của cha ông bị hàng triệu tấn bùn thải đổ xuống đục ngầu, cá tôm không còn đất sống, thềm biển bị vùi lấp, các rạn san hô chết dần mòn. Tác hại của việc xả thải kiểu này đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước chỉ rõ, cảnh báo từ lâu. Các nước cũng chẳng bao giờ cho đổ thải tùy tiện như thế trên các vùng biển vốn là tài sản chung của quốc gia, là nguồn lợi lớn của cộng đồng.
Điều người dân bức xúc không kém chính là các doanh nghiệp và cả cơ quan cấp phép mãi lập lờ khái niệm về các loại bùn thải này. Đây là bùn thải nạo vét không thể sử dụng được thì hãy gọi nó là bùn thải để mọi người biết mà đề phòng. Không thể ỡm ờ cứ gọi nó là "vật chất" một cách cố tình để né tránh dư luận. Từ cách gọi này cũng xoa dịu đi sự nhạy cảm về chất thải gây ảnh hưởng, nguy hại đến môi trường biển.
Doanh nghiệp tất nhiên là chọn phương án đổ thải xuống biển bởi cách làm này dễ nhất, tiết kiệm chi phí nhất và cũng khỏa lấp được hàng loạt vấn đề nguy hại khác nhưng khó có ai kiểm soát được. Các cơ quan chức năng không thể lao theo lợi nhuận của doanh nghiệp để bỏ qua những rủi ro về môi trường mà cộng đồng phải gánh chịu. Biển bị xâm hại thì chắc chắn ngành du lịch biển bị ảnh hưởng, trong khi ngành này đang được Chính phủ đầu tư, tạo điều kiện tối đa để trở thành mũi nhọn. Lợi nhuận của một vài doanh nghiệp phải bị loại ra khỏi bài toán kinh tế vĩ mô về phát triển du lịch của cả quốc gia.
Bình luận (0)