Người dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã quá quen thuộc với hình ảnh hàng chục người đứng tuổi cùng nhau cặm cụi dưới trời nắng hay miệt mài dưới cơn mưa để vác cát, đổ móng, bẻ sắt... xây cầu, đường nông thôn. Các thành viên Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung đã làm công việc này hơn 10 năm nay.
Ông Võ Văn Lộc, Đội trưởng Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung, tại một công trình
Tự nguyện tham gia
Ông Võ Văn Lộc (tức Út Lộc, 84 tuổi), Đội trưởng Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung, được xem là người có công đầu trong việc thành lập "biệt đội" nối nhịp bờ vui này. Ông cho biết đội thành lập từ năm 2008. Lúc đó, thấy mấy cây cầu ở xã đã hư cũ, ông bèn rủ bạn bè, người quen tìm cách xây, sửa lại cho tươm tất.
"Tôi thử ướm lời vậy thôi, ai ngờ anh em lại tỏ ra rất hứng thú. Khi có công trình cầu, đường cần xây sửa, họ rất nhiệt tình vác cuốc, vác xẻng đến tham gia. Đội chúng tôi người nhỏ nhất cũng quá tuổi 50, người lớn nhất thì đã ngoài 80 tuổi. Tất cả thành viên tham gia với tinh thần tự nguyện, không nhận tiền công hay khoản bồi dưỡng nào" - ông nhớ lại.
Ông Út Lộc cho biết ban đầu, Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung chỉ có vài chục người tham gia nhưng đến nay đã lên tới 120 thành viên. Ông Út Lộc cùng những người có uy tín ở địa phương đã cùng nhau đi vận động mạnh thường quân, ai có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu để xây, sửa lại những cây cầu đã hư hỏng, những con đường đất lầy lội, sạt lở.
Tuy hầu hết các thành viên tuổi đã cao nhưng “biệt đội” vẫn luôn nhiệt tình tham gia xây sửa cầu, đường
"Do kinh phí vận động hạn hẹp cũng như kỹ thuật còn hạn chế nên ban đầu, đội chỉ bắc cầu gỗ và làm cầu bê-tông trọng tải dưới 2 tấn. Cả đội chẳng ai hiểu biết gì về xây dựng. Chúng tôi toàn tự tìm tòi, tự góp ý, học hỏi lẫn nhau. Sau nhiều công trình, khi đã có kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân khắp nơi, đội đã thực hiện những cây cầu có trọng tải lớn, xe tải có thể qua lại dễ dàng" - ông Út Lộc khoe.
Cứ lúc nào địa phương cần xây sửa cầu, đường nông thôn là ông Út Lộc và các thành viên Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung lại hưởng ứng ngay. Tự nguyện tham gia từ năm này qua tháng nọ, các thành viên "biệt đội" đều đồng lòng cho rằng chỉ khi nào địa phương hết cầu tạm và đường đất thì họ mới hết việc.
"Mỗi khi chính quyền - Ủy ban MTTQ địa phương cần xây dựng cầu, đường nào là anh em trong đội đến thực hiện ngay, không quản ngại mưa nắng. Với chúng tôi, niềm vui của người dân cũng chính là niềm vui của đội khi giúp bà con đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn" - ông Út Lộc bày tỏ.
Đến nay, ông Út Lộc cũng không nhớ nổi suốt hơn 10 năm qua, "biệt đội" của ông đã góp sức cùng địa phương xây dựng được bao nhiêu công trình cầu, đường. Với uy tín cá nhân, ông vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức cho các hoạt động vì cộng đồng. Để công việc xây cầu, làm đường tiến hành nhanh gọn, ông còn vận động trang bị các thiết bị chuyên dùng như: máy hàn, máy cắt sắt, máy trộn bê-tông mà không phải đi thuê, giảm tối đa kinh phí cho các công trình.
Họ tự nguyện tham gia, không nhận tiền công hay khoản bồi dưỡng nào
Mong sức lực bền bỉ
Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung đến công trình cầu Mương Dưa Hấu ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung và chứng kiến không khí làm việc thật hối hả.
Đang ngồi đan sắt chuẩn bị cho công đoạn đổ bê-tông, ông Huỳnh Văn Vô - 83 tuổi, thành viên Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung - cho biết đã tham gia đội được 7 năm.
"Nói thật, với tuổi tác của anh em chúng tôi, tham gia công việc này cũng vất vả, nặng nhọc. Nhưng được cái, anh em xúm xít chia việc ra làm nên mọi chuyện thấy nhẹ nhàng hơn. Khi một tuyến đường, một cây cầu hoàn thành, giúp bà con và các cháu học sinh đi lại dễ dàng, anh em chúng tôi vui lắm. Chính niềm vui đó trở thành động lực cho anh em bạn già chúng tôi tiếp tục đi bắc cầu mới, làm đường mới" - ông Vô thổ lộ.
Ông Phan Trung Thi - 83 tuổi, thành viên Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung - chia sẻ: "Anh em chúng tôi tham gia đội xây dựng cầu đường với mong muốn làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Xóa hết cầu khỉ, đường đất là mong ước của địa phương cũng như "biệt đội" chúng tôi".
Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lai Vung, bằng sự quyết tâm và tinh thần tự nguyện, sau hơn 10 năm miệt mài với những việc làm đầy nghĩa cử cao đẹp, đến nay, Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường đã góp phần xây dựng hơn 200 cây cầu lớn nhỏ và hàng ngàn mét đường bê-tông.
"Thời gian tới, tôi chỉ mong sao sức lực anh em trong đội luôn bền bỉ để nơi nào có nhu cầu xây sửa cầu, đường thì mình đến làm miễn phí, nếu thiếu tiền thì anh em cùng nhau vận động. Vùng này sông nước chằng chịt, tôi cũng mong sao các mạnh thường quân cùng chung tay với địa phương trong việc xây dựng cầu, đường nông thôn" - ông Út Lộc bộc bạch.
Đổi thay bộ mặt nông thôn
Ông Dương Minh The, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lai Vung, cho biết: "Mấy năm qua, Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung đã tham gia vận động và xây nhiều cây cầu cùng hàng ngàn mét đường bê-tông cho huyện. Các chú đã giúp bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng thay đổi, mặt khác còn giúp địa phương tiết kiệm ngân sách. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ đội trong việc nghiên cứu kỹ thuật xây dựng các công trình cầu, đường nông thôn".
Theo ông The, nhờ nghĩa cử cao đẹp của những thành viên Đội Thi công thiện nguyện xây dựng cầu đường huyện Lai Vung mà những "nhịp bờ vui" đã được nối liền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như góp phần phát triển kinh tế ở các địa phương.
Bình luận (0)