Khi mới bắt tay vào thanh tra tài sản của gia đình quan đầu sở ngành tài nguyên của tỉnh miền núi Yên Bái vào cuối tháng 6-2017, ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ công bố rõ rành rành rằng cuộc thanh tra sẽ tiến hành trong 15 ngày và kết quả sẽ được công bố vào đầu tháng 7 vừa qua. Lúc ấy, nhiều người băn khoăn, hồ nghi và bức xúc về khối tài sản "khủng" của gia đình quan chức một tỉnh thuộc diện nghèo nhất nước và trông đợi cơ quan thanh tra xử lý đến nơi đến chốn.
Vậy nhưng, hết lần này tới lần khác, cái ngày công bố kết quả thanh tra tài sản của gia đình ông giám đốc sở cứ bị khất hết lần này tới lần khác, tính tới nay đã 5 lần. Sự chậm trễ mà người phát ngôn Chính phủ cũng phải lên tiếng là "đã quá thời hạn thanh tra".
Lý do trì hoãn công bố kết luận thanh tra mà dư luận vẫn gọi là "thanh tra biệt phủ ở Yên Bái" lần thì nói là để tỉnh tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, lần bảo chờ cấp thẩm quyền xem xét, quyết định…
Những lý do đó không thể thuyết phục được người dân. Không thể không đặt câu hỏi vì sao cứ trì hoãn mãi việc công bố kết luận thanh tra "biệt phủ"? Phải chăng tài sản của gia đình ông giám đốc sở này nhiều quá - như chính ông khai báo là nhiều nhà, đất, tài sản ở cả Yên Bái và Hà Nội - nên việc kiểm đếm, xác minh khó khăn? Hay còn có lý do nào khác, ví như ông giám đốc sở nhưng lại là em ruột của bà Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái?...
Thế nhưng, dù bất cứ lý do gì thì càng lùi thời gian công bố kết quả thanh tra càng khiến dư luận đặt ra nhiều hồ nghi.
Trong khi chưa thể công bố kết quả "thanh tra biệt phủ" ở Yên Bái, số liệu khác mà Thanh tra Chính phủ công bố cũng dấy lên nhiều dư luận. Đó là trong năm 2016, cả nước có 1.113.422 trường hợp kê khai tài sản song mới chỉ kiểm tra, xác minh được có 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Một tỉ lệ quá nhỏ bé đến mức thật khó tin.
Tin được không con số trên khi thời gian qua, dư luận, người dân phát hiện rất nhiều trường hợp gia đình quan chức sở hữu tài sản giá trị lớn, lớn tới mức không thể có được nếu chỉ dựa vào đồng lương cán bộ, công chức? Vậy mà, vẫn có những quan chức xem thường người dân khi trả lời rằng khối tài sản "khủng" ấy là nhờ tích góp từ chạy xe ôm, buôn chổi đót, nuôi lợn, gà…
Kê khai tài sản, thu nhập là một trong biện pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ bị vô hiệu hóa nếu kê khai mà không kiểm tra, xác minh được tài sản thực sự của cán bộ, công chức. Khi ấy, việc kê khai tài sản, thu nhập của quan chức chỉ là một việc làm hình thức. Thực tế đã cho câu trả lời rõ ràng.
Việc tiến hành thanh tra khối tài sản lớn của gia đình ông giám đốc sở ở Yên Bái đúng vào lúc dư luận cả nước đang "dậy sóng" được xem như là liều "thuốc thử" niềm tin. Chưa biết kết quả thanh tra có đáp ứng niềm tin của người dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng hay không nhưng cứ mỗi lần lùi công bố kết quả thanh tra là một lần sụt giảm niềm tin này.
Bình luận (0)