Ngày 18-5, Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, TP HCM có văn bản đề nghị UBND phường Bến Nghé yêu cầu chủ đầu tư biệt thự cổ số 5 Hàn Thuyên tạm ngưng thi công, bổ sung hồ sơ chờ Sở Quy hoạch - Kiến trúc có ý kiến; đồng thời báo cáo rõ thông tin Báo Người Lao Động phản ánh trong bài viết "Lo lắng biệt thự gần 100 năm tuổi của Chú Hỏa "biến mất".
Tuy nhiên theo phản ánh của nhóm chuyên gia bảo tồn, trong hai ngày 16-5 và 17-5, công trình vẫn đang được tháo dỡ.
Hình ảnh nhóm chuyên gia nước ngoài ghi lại cho thấy một nhóm thợ tiếp tục tháo mái, sơn phết, đập tường... Việc thi công được che chắn lại kín đáo. Nhiều ngói âm dương quý hiếm được đưa đi nơi khác, vứt bừa bãi trên sàn nhà.
Nhóm thợ thi công phần mái ngày 16-5 - Ảnh Nhóm chuyên gia bảo tồn.
Căn biệt thự số 5 Hàn Thuyên do Chú Hỏa xây dựng - Ảnh chụp năm 2015.
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, đại diện UBND quận 1 cho biết hiện chưa nhận được hồ sơ bổ sung, đánh giá của chủ đầu tư nên vẫn không được thi công. Trả lời câu hỏi vì sao công trình vẫn đang tiếp tục tháo dỡ, người này cho biết sẽ kiểm tra lại.
Trong khi đó, ông Võ Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Bến Nghé, thông tin chủ đầu tư chỉ trùng tu, sửa chữa nên không vi phạm các quy định pháp luật(!?).
Theo tài liệu phóng viên có được, đây là căn nhà được ông Hứa Bổn Hòa, tức Chú Hỏa xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Tính đến nay gần 100 năm tuổi vẫn còn vững chắc. Hiện tại, biệt thự cổ số 5 Hàn Thuyên vẫn chưa được phân loại.
Một cán bộ Sở Xây dựng TP HCM nhận định: "Pháp lý nhà này đan xe giữa tư nhân và Nhà nước, ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 với chức năng để ở. Việc sửa chữa, tháo dỡ làm mất đi nhiều kiến trúc bên trong cho thấy đã chuyển đổi chức năng kinh doanh".
Việc sửa chữa, tháo dỡ căn nhà ít nhiều làm thay đổi cảnh quan khu vực kiến trúc xung quanh Nhà thờ Đức Bà và Hội trường Thống Nhất.
KTS Lê Vĩnh Nam nhìn nhận hơn một nửa biệt thự tại TP HCM đã biến mất và nhiều công trình khác cũng đang đối mặt. "Theo khảo sát cho thấy xu hướng du lịch văn hóa - di sản đang được nhiều người quan tâm. Khách du lịch thường thích ghé thăm và ngắm những tòa nhà cổ, cũ. Chẳng hạn chương trình "City tour" tại TP HCM cũng được dạo quanh tham quan các công trình cổ như Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Chợ Bình Tây, Chùa Ngọc Hoàng... Vì vậy giá trị các biệt thự cổ nếu không đánh giá đúng sẽ rất đáng tiếc" - KTS Nam phân tích.
UBND TP HCM vừa có văn bản đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển nhanh chóng tổ chức họp Hội đồng Phân loại biệt thự để sớm có danh sách các biệt thự cũ trên địa bàn TP.
Thời điểm này các công trình biệt thự cổ tạm ngưng sữa chữa nhằm lưu trữ hình ảnh hiện trạng.
Theo đó, đối với Nhóm 1 và Nhóm 2 (có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc...) phải bảo tồn.
Riêng nhóm 3 (được phép tháo dỡ) cần phải xác thực kỹ càng nguồn gốc, kiểm kê và đánh giá để giải quyết nhanh những nhu cầu của người dân.
Bình luận (0)