Sáng 24-7, TAND tỉnh Bình Định đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 9 bị cáo về tội hủy hoại rừng. Đây là vụ phá rừng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Bình Định, xảy ra tại xã An Hưng, huyện An Lão.
Trong đó, bị cáo được xác định chủ mưu trong vụ án là Lê Văn Thiệt (56 tuổi), nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư kinh doanh tổng hợp Thương Thảo. Các bị cáo còn lại, gồm Nguyễn Văn Ri, đội trưởng đội xe máy Công ty Thương Thảo; Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Võ Dần, Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ, Nguyễn Nguyên Thực, Phan Dễ (cùng ngụ huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
Lãnh đạo tỉnh Bình Định kiểm tra khu rừng do Lê Văn Thiệt cùng đồng bọn phá
Theo cáo trạng, tháng 7-2017, Lê Văn Thiệt giao Nguyễn Văn Ri tổ chức phá rừng tại Tiểu khu 1 thuộc xã An Hưng, huyện An Lão để trồng keo cho doanh nghiệp. Sau đó, Ri thuê nhân công phá khu rừng với tổng diện tích hơn 37 ha, gây thiệt hại 2.868 m3 gỗ.
Ngoài ra, Lê Văn Thiệt còn tổ chức mở đường, lập lán trại nhân công, huy động nhiều phương tiện, thiết bị triệt hạ, phát dọn rừng. Sau đó, dùng xe vận chuyển số gỗ lớn về kho của Công ty Thương Thảo. Cùng thời điểm, nhiều người ở huyện Hoài Nhơn thuê người phát dọn rừng, trực tiếp phá rừng tại xã An Hưng với tổng diện tích 27 ha, gây thiệt hại hơn 2.650 m3 gỗ.
Tổng diện tích rừng bị phá 64,18 ha; trong đó có 25,87 ha rừng có chức năng phòng hộ và 38,31 ha rừng có chức năng sản xuất; trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,20 m³, tổng giá trị rừng bị thiệt hại là hơn 4,7 tỉ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Sau một ngày xét xử, chiều cùng ngày, HĐXX TAND tỉnh Bình Định đã tuyên trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để thẩm định lại diện tích rừng bị phá theo đề nghị của các bị cáo. Trước đó, phiên tòa đầu tiên ngày 28-6, HĐXX TAND tỉnh Bình Định cũng đã hoãn xét xử vụ án này vì vắng mặt nhân chứng và người bào chữa cho bị cáo.
Như đã thông tin, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định xác định đây là vụ phá rừng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương. Liên quan đến vụ phá rừng này, cuối năm 2017, UBND tỉnh Bình Định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão; Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện. Ngoài ra, có 10 cán bộ kiểm lâm, kiểm lâm viên, cán bộ xã cũng bị kỷ luật do liên quan đến trách nhiệm để xảy ra vụ phá rừng trên.
Bình luận (0)