Ngày 22-9, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chủ trì Hội thảo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, diễn giả trong lĩnh vực quy hoạch trong và ngoài nước tham dự.
Ông Nguyễn Văn Dành phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết quy hoạch tích hợp phải chứa đựng một tập hợp các chiến lược phát triển đa chiều, có tính chất gắn kết và ràng buộc chặt chẽ, sâu sắc, có tính ứng dụng thực tiễn cao. Quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ tháo gỡ 6 nút thắt hiện nay của tỉnh, đặc biệt là thoát bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước; hiện thực hóa 3 triết lý phát triển của Bình Dương cũng như 6 trụ cột và mục tiêu phát triển đã được đúc kết qua chặng đường 25 năm.
Với quan điểm trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan lập quy hoạch tỉnh) và Tổng Công ty Becamex (đơn vị hỗ trợ nguồn lực lập quy hoạch tỉnh) đã thống nhất lựa chọn liên danh tư vấn lập quy hoạch, trong đó đứng đầu là Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP), là đơn vị giàu kinh nghiệm trong công tác lập quy hoạch cũng như hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để xây dựng một bản quy hoạch chất lượng, khoa học và có tính dẫn dắt, gắn liền với thực tế phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết Bình Dương đã tạo dựng một nền tảng tốt cho sự phát triển các thời kỳ tiếp theo. Ngày nay Bình Dương phải xây dựng thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái mới, luôn luôn năng động, sáng tạo. Do đó rất cần các đơn vị tư vấn làm quy hoạch bám sát thực tế, quy hoạch đồng bộ.
"Quy hoạch phải thật sự có hiệu quả, tạo nền tảng để Bình Dương có những bước đột phá phát triển ngoạn mục, đáp ứng các yêu cầu của Bình Dương; là điểm sáng đóng góp vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Mong muốn người lao động có cơ hội để sản xuất kinh doanh phát triển hơn tại Bình Dương’’- ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bình Dương được xem là địa phương "đất lành chim đậu"
Đánh giá về lợi thế của Bình Dương, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Bình Dương nằm bên cạnh TP HCM và tận dụng được thế địa kinh tế bên cạnh siêu đô thị này. Tuy nhiên, Bình Dương cũng đã tìm ra được đường đi riêng cho mình, đặc biệt, tỉnh đã lựa chọn sự phát triển kinh tế lấy tri thức, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với công nghệ, lấy tri thức làm trọng tâm. Bình Dương hiện nay đã làm được việc đó là tạo ra hoàn cảnh đô thị mới ở đây khá tốt đẹp và bền vững, tiện lợi cho cư dân.
"Đây là điều kiện đầu tiên làm cho người lao động muốn lập nghiệp ở Bình Dương bởi vì khi quyết định chọn ở đâu họ sẽ cân nhắc điều kiện ăn ở, điều kiện sống ra sao"- GS Đặng Hùng Võ khẳng định.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng Quy hoạch tỉnh sau khi hoàn thành cần thực hiện được 3 nhiệm vụ: Định hướng chiến lược và tầm nhìn dài hạn cho tỉnh thông qua cách tính toán khoa học từ sự khác biệt và cơ sở lý luận biện chứng. Từ chiến lược đó phải cụ thể bằng các dự án đầu tư liên ngành, đầu tư hạ tầng có tác động sâu rộng đến các mặt đời sống xã hội và được phân bổ trên không gian của tỉnh. Mục tiêu cốt lõi là đưa Bình Dương trở thành vùng đất có thu nhập cao bảo đảm hài hòa, bền vững, công bằng, văn minh với tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm trong mọi chiến lược.
Ông Nguyễn Văn Dành mong rằng sau khi hoàn thành, bản đồ án quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ là một đồ án chuẩn, đúng nghĩa, với các nội dung tích hợp được lồng ghép và ràng buộc một cách khoa học; có cơ chế theo dõi, đánh giá đưa ra những khuyến nghị kịp thời để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo những quyết sách đúng đắn trong từng thời điểm quan trọng; hướng tới xây dựng một Bình Dương phát triển hài hòa, nhân văn và bền vững; xây dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả cùng một chính quyền địa phương năng động và kiến tạo.
Trước đó, đơn vị tư vấn là VIUP đã đề xuất các sản phẩm khác biệt của quy hoạch tỉnh Bình Dương, bao gồm 5 nội dung. Đó là: tìm được các quan hệ Cluster (cụm liên kết công nghiệp) của các chuỗi kinh tế chủ đạo; phân bổ không gian theo tiềm năng của mô hình phát triển mới; xác định các nguồn lực nội tại; xây dựng không gian lịch sử - văn hóa - con người mới; thiết lập chiến lược để số hóa không gian trong quản lý tổng hợp lãnh thổ gồm chính quyền số; xã hội số; kinh tế số.
Bình luận (0)