Đó là đúc kết của ông Lê Minh (60 tuổi, ngụ tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), người lận lưng nhiều ngón bẫy trâu hoang độc đáo, hiệu quả.
Bẫy tôi đó
Trâu hoang ở đây là trâu được người dân chăn thả trên rừng, lâu ngày không dắt về nên trở thành hoang dại. Vì sống lâu trong rừng nên chúng cũng dần sợ người và rất nhút nhát.
Ông Lê Minh cho hay trâu hoang rất khỏe và tinh khôn nên tất cả các loại bẫy thú rừng đều không bắt được chúng. Trên đường di chuyển nếu phát hiện có hơi người lập tức chúng sẽ quay đầu hoặc chọn hướng đi khác. Vào mùa sinh sản, nhiều con tỏ ra hung dữ, chỉ cần thấy người là lao tới tấn công.
Ông Lê Minh trong một lần săn bắt trâu hoang
"Muốn bắt được trâu hoang trước tiên người đi săn phải am hiểu địa hình, địa vật nơi chúng trú ngụ. Kế đó là nơi lũ trâu thường đến ăn, đến nằm mẹp (tắm nước, ngâm mình). Để nắm rõ điều này, người săn trâu hoang thường dành cả tháng trời quan sát, theo dõi. Và khi đã tinh tường lối đi, chốn mẹp của trâu hoang họ sẽ triển khai "binh pháp" để bắt giữ" - ông Minh cho hay.
Để bắt trâu hoang, ông Minh đã sáng chế ra bẫy "tôi đó". Gọi là bẫy "tôi đó" theo lý giải của ông Minh chỉ đơn giản là "chiếc bẫy do tôi tự tay làm ra đó". Bẫy có hình tròn, được cuốn bởi 2 vòng thép to bằng chiếc đũa; ở vòng phía trong ken dày những thanh lưỡi cưa sắc nhọn. Nhìn qua, chiếc bẫy trông y như miệng những chiếc trúm lươn.
Sau khi chọn vị trí đàn trâu thường lui tới, người săn sẽ tiến hành đào những hố sâu khoảng 20-30 cm, rộng chừng gang tay để đặt bẫy. Bẫy "tôi đó" được đặt chìm, cách lớp đất mặt khoảng 1-2 cm. Ở mỗi chiếc bẫy được cột thêm sợi dây cáp cố định vào thân cây. Khi đặt bẫy xong, sẽ phủ đất, lá, cành cây khô lên bẫy để "ngụy trang". Con trâu khi dẫm chân vào chiếc bẫy này sẽ không thể nhấc chân ra được.
Ông Minh cho hay khu vực thợ săn thường chọn để đặt bẫy trâu hoang là các đường mòn và vũng nước nơi chúng thường xuống uống nước, nằm mẹp. Khi bẫy "tôi đó" không phát huy tác dụng hoặc bị đàn trâu hoang phát hiện thì lúc đó người săn phải dùng đến những "binh pháp" khác để tiếp tục vây bắt.
Phong tỏa, giăng thủy bẫy, xóa hơi người
"Trâu hoang đã một lần mắc bẫy thì nó luôn cảnh giác, cả nhãn quan, thính giác của chúng rất nhạy bén. Một khi nó đã phát hiện hơi người là lập tức trở lui, không bao giờ đi tiếp. Và khi bẫy "tôi đó" chưa phát huy hiệu quả, mình phải lập tức thay đổi cách đặt bẫy"- ông Minh khẳng định.
Đầu tiên, người săn trâu hoang cần "phong tỏa" khu vực đàn trâu đang hiện diện. Giữa núi rừng bao la, việc này tưởng khó nhưng hóa ra rất dễ. Theo kinh nghiệm của ông Minh, toàn bộ những lối mòn sẽ được "chặn" lại bằng các đoạn dây có màu sắc óng ánh, nổi bật hay những mặt nạ hình nhân, hình thú. "Con trâu ở quen trong rừng khi thấy như thế sẽ rất sợ, không dám đến gần. Vì thế chúng không dám vượt khu vực mình phong tỏa để ra ngoài"- ông Minh quả quyết.
Ông Lê Minh kể chuyện săn bắt trâu hoang
Khi đã "quản lý" được địa bàn đàn trâu hoang trú ngụ, thông thường ông Minh sẽ tiến hành đặt lại bẫy. Đối với bẫy đặt trên cạn, sau khi "ngụy trang" xong sẽ dùng nước ở vũng trâu thường mẹp tưới lên xung quanh nhằm xóa hơi người. Nếu đặt bẫy trên cạn không thành công, ông sẽ đặt ngay giữa những vũng nước trâu thường xuống mẹp. Cách bẫy này ông gọi là thủy bẫy, ở mỗi vũng trâu mẹp sẽ giăng từ 3-5 chiếc bẫy.
Thường nơi trâu hoang trú ngụ có rất nhiều vũng nước. Người săn phải dùng cành cây lấp kín chỉ để lại vài vũng để giăng thủy bẫy. Khi hoàn tất việc đặt bẫy, họ sẽ đi giật lùi để tránh đọng lại hơi người. Con trâu khi xuống vũng uống nước sẽ chọn phía không có hơi người đi, vì thế khả năng dính vào thủy bẫy rất cao.
Năm 2016 ông Lê Minh cùng nhóm thợ săn được 8 con trâu hoang ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ
Theo ông Minh, muốn săn trâu hoang phải cần từ 2-4 người đi cùng. Khi trâu dính bẫy nhóm thợ sẽ chọn một vị trí cao, dùng cây sào dài móc dây thừng vào sừng trâu để khống chế, bắt giữ. Bao giờ khi bắt tay vào cuộc săn trâu hoang, họ cũng thường mang theo một chiếc áo khoác để phòng thân. "Khi bị trâu hoang rượt đuổi chúng tôi sẽ cởi áo khoác vứt lại để đánh lạc hướng chúng. Lúc đó, trâu sẽ nhắm vào chiếc áo mà tấn công nên mình có đủ thời gian để thoát thân" - ông Minh lý giải.
Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng khi có người thuê săn trâu hoang ông Lê Minh vẫn nhận lời. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết ông thường đưa ra là chủ sở hữu phải chứng minh được đó là trâu của mình và điều này phải được chính quyền địa phương xác nhận. Trước khi triển khai bắt giữ trâu hoang, đôi bên phải ký giấy cam kết, thỏa thuận giá cả cụ thể nhằm tránh tranh chấp, kiện tụng không đáng có về sau.
Vào năm 2016, nhóm thợ săn 4 người do ông Lê Minh dẫn đầu được UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) thuê đặt bẫy, bắt sống đàn trâu dữ khoảng 10 con từng tấn công nhiều người dân. Sau khoảng 2 tháng triển khai đặt bẫy, nhóm thợ săn của ông Minh bắt được 8 con trâu, đấu giá được 152 triệu đồng. Nhóm thợ săn sau đó nhận thù lao 60% giá trị đàn trâu bắt được.
Bình luận (0)