Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc liên quan đến một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Nâng khống giá gấp 4 lần
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, liên quan đến vụ việc này, C03 vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BV Bạch Mai, Công ty CP Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan; đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (chủ tịch HĐQT, giám đốc) và Ngô Thị Thu Huyền (phó giám đốc Công ty BMS) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cùng tội danh này, C03 khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với Trần Lê Hoàng (thẩm định viên Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS).
Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn 2016-2017, Công ty BMS và BV Bạch Mai thực hiện liên doanh, liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa, trong đó có robot Rosa. Tuy nhiên, lãnh đạo của công ty đã câu kết với những người khác nâng khống giá trị một số thiết bị để trục lợi.
Kết quả điều tra ban đầu xác định robot Rosa là thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não (có xuất xứ từ Pháp) được Công ty BMS "thổi giá" lên gấp nhiều lần giá trị thực. Cụ thể, thiết bị này sau khi nhập khẩu về Việt Nam, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ có giá ước tính khoảng 10 tỉ đồng nhưng đã bị Tuấn, Huyền cùng một số người liên quan nâng khống lên thành 39 tỉ đồng, gấp gần 4 lần giá trị thực.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh, liên kết tại BV Bạch Mai trong thời hạn liên kết là 7 năm (2017 - 2024). Sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và các chi phí chung (bao gồm cả chi phí bảo hiểm rủi ro và chi phí phải trả lãi vay ngân hàng), hai bên thống nhất ăn chia 50-50 lợi nhuận. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Ước tính mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp bệnh nhân sử dụng thiết bị này, tính từ khi lắp đặt robot Rosa tại BV Bạch Mai, đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân bị chiếm đoạt với số tiền không nhỏ.
Công ty BMS nâng khống giá thiết bị y tế trong liên kết với Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: NGÔ NHUNG
Mua bán lòng vòng, đẩy giá lên cao
Theo ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, BV đang phối hợp với cơ quan điều tra, cung cấp hồ sơ liên quan đến các gói thầu với Công ty BMS để phục vụ điều tra, làm rõ sự việc. BV mua thiết bị có đơn vị thứ 3 là công ty chuyên môn có chức năng thẩm định giá. Do đó, nếu có sai phạm thì chủ yếu liên quan đến đơn vị cung cấp và trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá. "Chúng tôi tiếp nhận các thiết bị y tế dựa trên giấy tờ, hồ sơ và giá thiết bị mà các bên đưa ra để có căn cứ lựa chọn. BV không đủ khả năng để xem giá chính xác, nhất là khi thiết bị lần đầu tiên được đầu tư và sử dụng tại Việt Nam. Khi hồ sơ đầy đủ, có lợi nhất theo nguyên tắc lấy từ thấp đến cao, bảo đảm chất lượng thì sẽ được lựa chọn" - ông Hùng khẳng định.
Vụ việc trên cho thấy có nhiều kẽ hở trong quản lý thiết bị y tế tại BV để trục lợi người bệnh.
Theo tìm hiểu, một robot Da Vinci được một BV đầu tư có giá 2 triệu USD (khoảng 47 tỉ đồng) nhưng thực tế đã có BV khác mua với giá gần gấp đôi. Một chuyên gia y tế nói chỉ cần thay đổi chút ít công năng thì giá sẽ khác biệt nhiều. "Trong quá trình xây dựng đề án thì giá là một trong những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, giá kê khai khi thông quan thường không được cung cấp cho bên mua mà họ chỉ đưa ra giá thẩm định. Nếu có giá gốc để so sánh thì không bao giờ người có trách nhiệm dám ký mua thiết bị với giá cao chót vót như vậy" - vị chuyên gia này phân tích.
Liên quan đến vấn đề này, một đại diện của Bộ Y tế thông tin bộ này đã thành lập tổ thẩm định giá các thiết bị mới được mua sắm trong thời gian qua theo hướng xem xét mức giá ở thời điểm BV mua, với cấu hình, chất lượng thiết bị bao nhiêu thì được cho là hợp lý.
Cũng theo vị này, cả nước có BV Bạch Mai, BV K trung ương và sắp tới đây sẽ có thêm BV Chợ Rẫy và BV Việt Đức được tự chủ hoàn toàn trong mua sắm trang thiết bị, không phải báo cáo và không phải đợi Bộ Y tế thẩm định. Việc được giao quyền tự chủ sẽ giúp các BV chủ động hơn trong việc mua sắm thiết bị y tế nhưng có thể sẽ xảy ra tình trạng "thổi giá" thiết bị nếu không có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Đại diện của Bộ Y tế tiết lộ thêm thiết bị y tế không phải là mặt hàng quản lý giá, không phải kê khai giá như đã áp dụng với mặt hàng thuốc nên vừa qua, có hiện tượng thiết bị mua bán lòng vòng qua các công ty, giá bị đẩy lên cao và vẫn được thẩm định. Đến nay, Bộ Y tế chưa có trang điện tử công bố giá trúng thầu các thiết bị có chức năng, chủng loại, cấu hình tương tự... để các BV, đơn vị y tế mua sắm có cơ sở để tham khảo.
Chấn chỉnh liên doanh, liên kết
Theo quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế về việc quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, có hiệu lực từ ngày 1-9 vừa qua, khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải đối chiếu với khung giá thiết bị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khung giá có thời hạn 12 tháng) để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế...
Trước đó, Bộ Y tế từng nhiều lần có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, các đơn vị y tế trực thuộc các bộ, ngành, yêu cầu chấn chỉnh việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, đặt máy tại các cơ sở y tế công lập. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các đề án liên doanh, liên kết đang thực hiện tại đơn vị, đặc biệt rà soát phương án chi phí, mức thu, thời gian thu hồi vốn của các nhà đầu tư. Trường hợp thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với hợp đồng đã ký cần phải thương thảo để điều chỉnh thời gian hoặc giảm giá dịch vụ cho phù hợp.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc thực hiện xã hội hóa, liên doanh, liên kết đầu tư đã nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân; khắc phục được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cho cơ sở khám chữa bệnh trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Dù vậy, vẫn còn những bất cập trong việc xác định giá trị thiết bị đưa vào liên doanh, liên kết, dẫn đến tình trạng có cơ chế 2 giá dịch vụ trong 1 đơn vị; lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật từ các trang thiết bị xã hội hóa.
Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết ồ ạt, thiếu sự kiểm soát hợp lý của cấp có thẩm quyền tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm trong hợp tác và phân chia lợi nhuận. Từ đó, tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp bên ngoài đưa máy móc để trục lợi; đưa hóa chất độc quyền do chính mình cung cấp vào liên kết với BV, gây phụ thuộc nguồn cung và giá thành hóa chất...
Bình luận (0)