Chiều 20-4, thay mặt Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết đến 17 giờ ngày 19-4, Hà Nội có 112 ca mắc Covid-19. Trong đó, 75 trường hợp đã khỏi bệnh, ra viện; 37 trường hợp đang điều trị.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Về công tác bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết ngày 18-4-2020, nhận thêm 10.000 test xét nghiệm nhanh Covid-19 do Tập đoàn Vingroup tài trợ, đến nay đã tiếp nhận tổng cộng 40.000 test, đã sử dụng 15.893 test, hiện còn khoảng 24.000 test.
Sở Y tế thường xuyên rà soát các trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế và các lực lượng tham gia chống dịch. Đến nay, các trang thiết bị đã cơ bản đáp ứng được quy mô dịch ở cấp độ 4, tương đương 1.000 bệnh nhân.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc quản lý, bảo quản trang thiết bị được đầu tư mua sắm phục vụ cho phòng, chống dịch, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Theo thông tin của Báo Người Lao Động, thời gian qua, CDC Hà Nội có mua thêm một hệ thống xét nghiệm realtime PCR, do số lượng mẫu nghi nhiễm Covid-19 cần xét nghiệm gia tăng. Loại CDC Hà Nội đã mua là hệ thống bao gồm đầy đủ các máy kèm theo như máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu (realtime PCR) khoảng 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết giá một hệ thống xét nghiệm như thế này không quá 4 tỉ đồng. Trong khi đó, theo bảng dự trù trang thiết bị phòng chống dịch cho CDC tỉnh Quảng Ninh (ký ngày 26-3) cho tình huống bệnh nhân gia tăng, giá một máy realtime PCR được dự trù tới 15 tỉ đồng, máy tách chiết 2 tỉ đồng. Cả hệ thống xét nghiệm này nếu mua theo dự trù và báo giá của doanh nghiệp cung cấp lên tới 17 tỉ đồng. Một chuyên gia cho rằng mức giá này cao gấp 4-5 lần so với thị trường.
Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua nhiều cơ sở y tế đã tổ chức mua sắm các trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế và đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu cung ứng bằng hình thức chỉ định thầu.
"Thông thường việc mua bán trang thiết bị máy móc phải tiến hành đấu thầu với các yêu cầu về giá chào thầu của các nhà thầu, thẩm định giá để tìm ra nhà thầu có năng lực và giá tốt nhất. Tuy nhiên khoản 1 điều 22 của Luật Đấu thầu quy định gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách nằm trong nhóm được chỉ định thầu. Khi chỉ định thầu chỉ cần có hợp đồng đã bán và bên bán xây dựng bằng mức giá đã bán để thực hiện hợp đồng mua bán" - vị này giải thích.
Một nguồn tin cho biết sau khi cơ quan công an làm việc với một số cán bộ CDC Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã đến kiểm tra toàn bộ hồ sơ chứng từ, hợp đồng liên quan đến thiết bị này, tuy nhiên vẫn phải đợi cơ quan chức năng xem xét cụ thể sai ở đâu, bộ phận nào sai sót sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, ngày 3-4, Bộ Y tế đã có công văn số 1859/BYT-KH-TC gửi các đơn vị sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19, về việc mời chào giá trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho Bộ Y tế.
Trước đó, tại hội nghị của Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid -19 Hà Nội sáng 17-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3) Bộ Công an đã làm việc và gọi một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (CDC Hà Nội) để làm rõ việc mua sắm máy xét nghiệm, trong đó có cả nội dung liên quan đến các tỉnh thành khác.
Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid -19, Thành ủy, Bí thư Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch. UBND TP cũng đã yêu cầu Thanh tra TP vào cuộc từ sớm. Tất cả các trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm.
Theo Chủ tịch UBND TP, trong quá trình chống dịch, Ban Chỉ đạo TP đã rất sát sao trong mọi công tác. Sở Y tế được giao toàn quyền trong việc mua sắm vật tư phòng dịch. TP đã chỉ đạo lực lượng Công an, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu tăng giá vẫn diễn ra và không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm, của CDC Hà Nội.
"Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid -19 TP là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm; không nương nhẹ với trường hợp nào. Trong dịch bệnh mà có các trường hợp này sẽ là những tình tiết tăng nặng"- ông Nguyễn Đức Chung nói.
Bình luận (0)