Là người dân địa phương nhiều năm làm dịch vụ cho thuê phòng du lịch, ông Nguyễn Minh Tuyền - trú phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết - bức xúc khi mới đây, Khu Dịch vụ Du lịch Thái Hòa nằm kề bên xây công trình kè mềm to tướng, choán hết lối đi bờ biển. Theo ông Tuyền, từ khi có công trình kè mềm này, người dân và du khách đi lại hết sức khó khăn do kè quá cao, lại kéo dài từ sát Khu Dịch vụ Du lịch Thái Hòa đến mực nước biển. "Tôi không hiểu họ nghĩ gì khi xây dựng một công trình như vậy. Ở đây người ta bảo vệ tài sản của mình trước xâm thực nhưng đều làm kè đồng bộ kiểu xây đá chẻ sát phần đất sở hữu. Không ai lại xây kè chiếm hết đường đi ngang biển như thế này" - ông Tuyền bức xúc.
Kè mềm của Khu Dịch vụ Du lịch Thái Hòa
Còn ông Lương Đình Quang - một du khách Việt kiều Mỹ thường xuyên chọn Mũi Né làm điểm đến mỗi dịp về nước - cho biết ông khá thất vọng khi thấy công trình này. "Gia đình tôi vào tháng 2 hằng năm thường về Việt Nam và chọn Mũi Né để làm nơi nghỉ dưỡng. Chúng tôi ưu tiên đến đây vì bãi biển rất đẹp. Tuy nhiên, lần này khi trở lại thấy công trình kè biển họ làm cao quá, nhìn rất chướng mắt. Nếu họ làm kè sát vào trong phần đất, chừa lại bãi biển cho mọi người thì tốt hơn" - ông Quang chia sẻ.
Lãnh đạo UBND phường Hàm Tiến cho biết công trình kè mềm sát biển đang gây bức xúc cho nhiều hộ dân là của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Du lịch Thái Hòa. Công trình này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cấp phép, dài 49,3 m, chiều cao kè túi cát 1,8 m, kéo dài từ ranh đất của cơ sở du lịch ra bãi biển 15 m. Sau khi kè được xây dựng, địa phương nhận được ý kiến phản ứng từ người dân vì cho rằng kè mềm này vừa choán hết lối đi trên biển vừa làm thay đổi dòng chảy, gia tăng nguy cơ xói lở các khu vực liền kề.
Trao đổi với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, chúng tôi được biết đơn vị này cấp phép xây dựng dựa trên Văn bản số 4247/UBND-KGVXNV ngày 8-11-2019 của UBND tỉnh Bình Thuận cho phép chủ trương xây kè bảo vệ bờ biển của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Du lịch Thái Hòa. Trong báo cáo thẩm định công trình này, sở thừa nhận kè mềm này "tuy có tác động đến dòng chảy ven bờ nhưng không đáng kể, việc ảnh hưởng đến khả năng bồi xói của khu vực là chấp nhận được" (?!).
Một đoạn dài bờ biển Hàm Tiến - Mũi Né bị bao phủ bởi kè tự phát
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi được chấp thuận chủ trương, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Du lịch Thái Hòa đã thi công kè mềm vượt thiết kế cho phép. Điều này được người dân và chính quyền địa phương phản ánh với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận và sở đã thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định lại thực tế thi công. Đại diện lãnh đạo sở này cũng cho biết có khả năng sẽ thu hồi việc cấp phép xây dựng kè của doanh nghiệp này.
Hiện nay, bờ biển Hàm Tiến đang có tổng cộng 12 cơ sở du lịch đang xây dựng kè tạm, đa phần đều chưa được cấp phép. Việc xây kè tạm trước mắt chỉ bảo vệ được phần đất của chính các cơ sở này trong ít năm nhưng lại gia tăng nguy cơ sạt lở cho những khu vực liền kề, tạo ra cảnh quan nhếch nhác.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các ngành chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở du lịch làm kè tạm, có biện pháp xử lý, chấn chỉnh đối với các cơ sở tự ý làm kè không phù hợp, gián tiếp gây xói lở trong khu vực. Dù vậy, đến nay, việc xử lý vẫn chưa hiệu quả, trong khi các doanh nghiệp du lịch vẫn đua nhau làm kè để tự bảo vệ tài sản của mình.
Hai năm trở lại đây, hàng chục khu du lịch tại Hàm Tiến - Mũi Né bị nước biển xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng các khu nhà hàng, khách sạn, resort... Có nơi, biển đã ăn sâu vào từ 5-10 m. Trước tình hình này, các cơ sở du lịch đã xây dựng kè mềm nhằm giảm bớt tác động. Tuy nhiên, do việc lắp đặt kè không có chỉ dẫn chung của ngành chức năng, dẫn đến hệ quả là các bãi biển tại Hàm Tiến - Mũi Né bị băm nát, những khu vực tiếp giáp bị sạt lở nặng nề thêm.
Bình luận (0)