Bộ Công an vừa đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử (của bộ) dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) để lấy ý kiến người dân. Một đề xuất mới rất đáng chú ý trong dự luật là chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho Bộ Công an, thay vì Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) như hiện nay.
Cấp GPLX hiện còn tùy tiện?
Theo dự thảo luật, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ; tổ chức thực hiện: sát hạch và cấp, đổi, thu hồi GPLX; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp GPLX…
Dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công an cũng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng luật, bộ đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức… Qua đó cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, ATGT (quy định về quy tắc giao thông, quản lý phương tiện, người điều khiển tham gia giao thông, xử lý vi phạm...), tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ.
Theo Bộ Công an, các quy định về sát hạch cấp GPLX; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi GPLX không được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành; thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý GPLX còn sơ hở, bất cập. Qua các công tác nghiệp vụ, lực lượng công an đã phát hiện nhiều trường hợp người lái xe sử dụng chất ma túy, người lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần vẫn được cấp GPLX. Thậm chí có trường hợp đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi GPLX…
Ngoài ra, việc quản lý GPLX chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Bộ Công an cho biết trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ GTVT cũng như lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia nhưng các vị đều không đưa ra bình luận về đề xuất nói trên của Bộ Công an.
Thi thực hành sa hình trong sát hạch cấp giấy phép lái xe
Chất lượng đào tạo là quan trọng nhất
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho biết trước năm 1995, việc sát hạch, cấp, đổi GPLX và đăng kiểm phương tiện cơ giới do Bộ Công an đảm nhiệm. Tuy nhiên, từ tháng 8-1995, Bộ GTVT được giao phụ trách lĩnh vực này.
Hiện ngành giao thông đã quản lý sát hạch, cấp GPLX được 25 năm. Cùng với đó, ngành cũng đổi mới quản lý GPLX với nội dung quan trọng là xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc và đổi mới GPLX...; áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong việc đổi GPLX quốc tế và thực hiện trả kết quả thủ tục hành chính đến người dân qua dịch vụ bưu chính.
Ông Quyền nhấn mạnh việc sát hạch, cấp, đổi GPLX và đăng kiểm phương tiện cơ giới là lĩnh vực mang tính xã hội hóa rất cao, có sự tác động từ các yếu tố, các mối quan hệ xã hội nên không tránh khỏi những tồn tại, khiếm khuyết. "Có thể nói là có những vi phạm trong công tác quản lý của các cơ sở đào tạo hoặc trong công tác sát hạch" - ông Quyền đánh giá.
Theo quy định hiện nay, Bộ GTVT quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế; Bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. "Như vậy là không chồng chéo, mỗi cơ quan đảm nhiệm một khâu. Nếu có sự giám sát lẫn nhau sẽ minh bạch hơn" - ông Quyền nhìn nhận và nhấn mạnh bất kể bộ nào quản lý, điều quan trọng nhất là phải nâng cao được chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để bảo đảm ATGT.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng không cần thiết phải chuyển hoạt động sát hạch, cấp GPLX sang ngành công an, vì điều này có thể dẫn tới việc "vừa đánh trống vừa thổi kèn" và tạo ra nhiều xáo trộn.
Ông Liên đồng ý với nhận định việc đào tạo, sát hạch GPLX hiện còn nhiều vấn đề và có "điều ra tiếng vào". "Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, thay vì tranh luận bộ, ngành nào sẽ quản lý" - ông Liên nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (TP Hà Nội), cho biết việc giao cho ai quản lý phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. "Với ngành công an, nhiệm vụ chính của họ là bảo đảm an ninh trật tự. Vấn đề ATGT chỉ là một phần của an ninh trật tự và ATGT hoàn toàn có thể giao cho ngành giao thông quản lý như hiện nay. Còn những bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thì chúng ta phải chấn chỉnh, tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tiêu cực, nâng cao chất lượng" - luật sư Hường nêu, đồng thời nói nếu Bộ Công an muốn quản lý việc sát hạch, cấp GPLX thì cần đưa ra lập luận để chứng minh rằng những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực này giao về Bộ Công an sẽ giải quyết được, còn để lại cho Bộ GTVT thì không giải quyết được.
Sẽ trừ điểm trên giấy phép lái xe
Điều 62 của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT quy định về điểm GPLX. Theo đó, GPLX có tổng điểm là 12. GPLX bị trừ điểm khi người điều khiển phương tiện vi phạm. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực. Người lái xe muốn được cấp GPLX mới phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX không còn hiệu lực.
Bình luận (0)