Điều đáng nói là việc phát hiện điểm thi cao bất thường ở Hà Giang không phải từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mà là từ cộng đồng mạng, sau đó Bộ GD-ĐT mới thành lập tổ công tác xác minh. Kết quả ban đầu xác định ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang - đã sửa điểm hơn 330 bài thi của 114 thí sinh (TS).
Từ thông tin chấn động này, cộng đồng mạng lại phát hiện thêm các cụm thi nghi vấn khác. Chiều 18-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lại quyết định thành lập tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi ở 2 tỉnh Sơn La và Lạng Sơn.
Chưa hết, dư luận lại tiếp tục phát hiện các cụm thi khác nghi ngờ có dấu hiệu gian lận điểm ở Hòa Bình và Bạc Liêu. Nghi ngờ đó cũng cần phải được kiểm tra một cách khoa học. Bộ GD-ĐT phải nhanh chóng, chủ động rà soát toàn bộ công tác tổ chức thi ở các cụm thi để phát hiện những vấn đề tồn tại chứ không phải cứ chạy theo dư luận.
Một kỳ thi mà chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ hôm 2-7 rằng đã được tổ chức "nghiêm túc, khách quan, an toàn, nhẹ nhàng được nhân dân các địa phương ủng hộ" và "cơ bản là thành công". Tuy nhiên, thực tế trái ngược lại. Một kỳ thi thiếu an toàn, không nghiêm túc và không nhẹ nhàng. Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang đã bị phanh phui, tiếp theo có thể là "điểm nóng" Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình bùng phát…
Xì-căng-đan gian lận điểm thi ở Hà Giang xảy ra gần một tuần. Diễn biến của kỳ thi này có thể còn nhiều vấn đề chưa thể lường hết được, vậy mà đến chiều 19-7, sau bao lần đòi hỏi của công luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới lên tiếng, cho rằng việc gian lận điểm thi ở Hà Giang là lời cảnh tỉnh đối với công tác tổ chức thi…
Lẽ ra bộ trưởng nên lên tiếng về vụ này sớm hơn để rộng đường dư luận. Thường thì khi lĩnh vực phụ trách có sự cố nghiêm trọng, các "tư lệnh ngành" đều có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý. Nếu bộ trưởng đang có mặt tại Hà Giang hay Lạng Sơn, Sơn La... thì người ta tin vào quyết tâm của ông hơn.
Một kỳ thi mà xảy ra sự cố gian lận điểm thi chấn động như ở Hà Giang thì rõ ràng là một kỳ thi thất bại, cần phải ứng phó nhanh để xử lý khủng hoảng một cách kiên quyết và khoa học.
Còn nhớ, kỳ thi đại học năm 2014 ở Hàn Quốc đã xảy ra sự cố sai sót đề thi, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc lúc đó đã lên tiếng xin lỗi người dân, trong khi Viện trưởng Viện Đánh giá và Khảo thí Hàn Quốc tuyên bố từ chức.
Chẳng lẽ cách hành xử của ngành giáo dục Hàn Quốc xa lạ với ngành giáo dục nước ta đến vậy hay sao?
Bình luận (0)