Ngày 1-11, kết thúc phiên chất vấn của Quốc hội (QH) với số lượng câu hỏi và tranh luận đạt kỷ lục nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH
Đại biểu (ĐB) Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, chất vấn Chánh án TAND Tối cao về các vướng mắc liên quan đến quyền khởi kiện của Công đoàn đối với doanh nghiệp (DN) nợ BHXH và hướng giải quyết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ) cũng như quyền khởi kiện của tổ chức Công đoàn được pháp luật quy định.
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết kể từ khi có Nghị quyết 55 năm 2017 của QH đến nay, TAND Tối cao đã tổ chức 2 cuộc họp với sự tham dự của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổng giám đốc BHXH Việt Nam, các cơ quan của QH. Ngành tòa án cũng đã tập huấn toàn ngành về triển khai chủ trương mới của luật về chính sách bảo hiểm; phối hợp với BHXH Việt Nam để hướng dẫn xử lý những vấn đề liên quan.
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 1-11 Ảnh: ĐÌNH NAM
Chánh án TAND Tối cao khẳng định từ ngày 1-1, hai hành vi gian lận BHXH và trốn đóng BHXH đã được hình sự hóa, theo quy định tại các điều 214, 216 của Bộ Luật Hình sự. "Với quy định như vậy, quyền của NLĐ được bảo vệ ở cấp độ cao nhất, tức là ai xâm phạm quyền này đã trở thành tội phạm" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng không chỉ có tổ chức Công đoàn mà tất cả mọi người dân - kể cả NLĐ, nếu phát hiện DN nào gian lận BHXH và trốn đóng BHXH, hoàn toàn có nghĩa vụ báo cáo cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát để khởi tố điều tra. Khi đó, tòa án sẽ xét xử một cách nghiêm minh.
Kiểm soát phóng xạ hạt nhân
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu tình trạng một số bệnh viện kê đơn thuốc sai sót lên đến 90%; 66% bệnh viện kê vitamin, biệt dược đắt tiền không cần thiết. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên và hướng xử lý?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có sai sót trong việc kê đơn thuốc, dù bộ đã có quy chế chặt chẽ về kê đơn. "Chúng tôi yêu cầu trong đơn phải có thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tên thuốc, hàm lượng, ngày dùng… và thông qua hệ thống đơn thuốc điện tử. Song, việc kê đơn vẫn tồn tại nhiều sai sót như tên không chính xác, hàm lượng không đủ; nhiều biệt dược trùng nhau, nhiều thuốc đắt tiền không cần thiết, quá nhiều vitamin…" - "tư lệnh" ngành y tế thừa nhận.
Về vấn đề môi trường, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP HCM) nhấn mạnh cử tri không đồng ý chôn lấp và đổ tro xỉ nhà máy nhiệt điện ra biển. Nếu không xử lý mạnh thì thách thức an ninh phi truyền thống về nguồn nước trong tương lai gần là sẽ có nhiều dòng sông, nhiều nguồn nước ngầm ô nhiễm. Cần có giám sát chuyên đề tối cao về nguồn nước.
Đồng tình phải giám sát dưới góc độ pháp luật, thể chế; xây dựng cơ sở giữ tài nguyên nước… nhưng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề tài nguyên nước "không liên quan lắm đến vấn đề tro xỉ"!
ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) lo ngại sắt thép phế liệu nhập khẩu bị nhiễm phóng xạ. Ông lưu ý năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc đã vận hành thương mại và đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết khi nào làm xong mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường?
Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá chất lượng của phế liệu nhập khẩu đầu vào làm nguyên liệu sản xuất để có hướng xử lý. Về ứng phó nguy cơ phóng xạ hạt nhân, ông thừa nhận chậm trễ do không chuẩn bị kịp dự án để đưa vào bố trí nguồn vốn trung hạn. Tuy nhiên, mạng lưới này đã triển khai được 5 điểm tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội; kết nối trực tuyến về bộ. Năm 2019, sẽ mở rộng tới nhiều địa phương hơn.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết cơ quan quản lý Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận trao đổi về an toàn bức xạ hạt nhân, mạng lưới quan trắc và ứng phó vào tháng 7-2018 để triển khai so sánh dữ liệu 2 bên vào đầu năm 2019.
Cơ quan điều tra vi phạm "khủng khiếp"?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp. Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%...".
ĐB Nguyễn Hữu Cầu: "Công an đã kiểm tra lại và tôi khẳng định tất cả số liệu này không đúng, không chính xác. Đề nghị ĐB Nhưỡng nói rõ vấn đề này cho lực lượng công an, nếu không anh em rất phân tâm".
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Dựa trên phụ lục báo cáo, tôi đã tính toán chi li từng số %. Nếu ĐB chưa có phụ lục, tôi đã tính toán đầy đủ ra, xin gửi lại. Tôi phát biểu không có bất kỳ một định kiến nào và không bao giờ có số liệu ngoài luồng".
ĐB Nguyễn Hữu Cầu: "ĐB Nhưỡng đã tính toán như sau: trong hơn 142.000 đơn thì có 87 đơn chưa thụ lý và 82 đơn thuộc ngành công an. Đại biểu lấy 82 chia 87 thành 94%. ĐB nhầm lẫn trong tính toán khiến cử tri hiểu sai".
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tranh luận qua lại là tốt nhưng vấn đề nói trên quá cụ thể. ĐB Lưu Bình Nhưỡng đã châm ngòi cho quá nhiều tranh luận".
Bình luận (0)