Nhiều vấn đề về an sinh xã hội được nêu ra trong ngày chất vấn thứ 2 của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đặc biệt tình trạng thuốc giả đang làm người dân rất lo ngại.
Câu hỏi chưa có giải đáp
Về vấn nạn thuốc giả, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) nêu chưa thấy bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cụ thể vấn đề này, đặc biệt là giải pháp bịt khe hở để thuốc giả tuồn vào thị trường trong nước.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chất vấn về tình trạng thuốc giả tại phiên họp ngày 31-10 Ảnh: ĐÌNH NAM
Nhìn nhận đây là vấn đề sát sườn trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế đã có nhiều văn bản pháp luật để quản lý như: Luật Dược, Nghị định 54 về quản lý thuốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ Khoa học - Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thuốc. "Việc này giúp công tác quản lý đăng ký và nhập khẩu thuốc chặt chẽ hơn. Theo đó, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt nặng hơn, đặc biệt kết hợp Bộ Luật Hình sự để xử nghiêm minh" - bà Tiến nói.
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết đối với công tác tiền kiểm, bộ này đã yêu cầu xây dựng các nhà máy theo tiêu chuẩn GMP. Về hậu kiểm, đã tăng cường kiểm tra các phòng thí nghiệm, lấy mẫu hệ thống nhiều hơn.
"Chúng tôi kiểm tra 100% các lô hàng của các công ty đã vi phạm. Sắp tới, nếu có nghi ngờ thuốc nhập khẩu, bộ sẽ cử người tới tận nước sản xuất để kiểm tra vấn đề này, dù đây là công việc khó khăn và tốn kém" - bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định và bày tỏ mong muốn cơ quan điều tra xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm bởi việc này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, kinh tế của người dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn chưa trả lời được câu hỏi về quy định bồi thường cho người dân sử dụng phải thuốc giả.
Liên quan đến nội dung xem xét đơn giám đốc thẩm và tái thẩm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đã giải quyết được 53%, tức hơn 1.200 đơn giám đốc thẩm. Ông cho rằng đây là tỉ lệ rất cao so với thế giới và nếu làm quá nhiều thì vô tình biến giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử thứ ba.
ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng sau mỗi lá đơn là số phận một con người, một gia đình, dòng họ. Dẫn ví dụ vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tự tử, ĐB tỉnh Thanh Hóa bày tỏ sự băn khoăn với tình hình giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. "Các cơ quan tư pháp phải tốn kém hàng tỉ đồng cũng không cứu lại được mạng sống của ông Phê… Không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi" - ông Thức nói.
Sẽ rà soát chính sách cho người có công
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) đặt câu hỏi về chính sách đối với người có công.
Theo ĐB tỉnh Nghệ An, chế độ trợ cấp thờ cúng ở mức 500.000 đồng/tháng với liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp là "chưa thỏa đáng". Bởi vì, đa số liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng, chủ yếu là hy sinh trước năm 1975 nên không còn thân nhân. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết bộ sẽ rà soát chính sách với 13 đối tượng người có công dựa trên tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và đề xuất sửa đổi hợp lý.
Một nghịch lý khác được ĐB Nguyễn Văn Phương (Ninh Bình) nêu ra là quy định hiện nay yêu cầu phải có bằng Tổ quốc ghi công mới được công nhận liệt sĩ. "Khi truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều trường hợp ghi rõ con là liệt sĩ nhưng không có bằng Tổ quốc ghi công nên không được truy tặng. Liệt sĩ thì phải cấp bằng Tổ quốc ghi công nhưng bây giờ chúng ta lại xem trọng bằng Tổ quốc ghi công hơn cả liệt sĩ" - ĐB Phương bức xúc.
Tiếp thu ý kiến để giải quyết sớm nhất các trường hợp nêu trên nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng cũng phân trần: "Việc công nhận liệt sĩ, bộ chỉ tiến hành cấp khi các cấp có thẩm quyền như Bộ Nội vụ, UBND tỉnh xác nhận và công nhận là liệt sĩ".
Không bỏ trống trận địa mạng xã hội
Trả lời câu hỏi về xử lý thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ngoài việc định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai thì cần phải sử dụng công nghệ để kiểm soát. Tiếp đến, phải có công cụ "quét rác", tức xử lý, yêu cầu gỡ bỏ được các thông tin sai sự thật, đặc biệt là thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. "Mạng xã hội giờ không phải ảo nữa mà là thật rồi, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này. Người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn nữa trên không gian mạng, cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi" - ông lưu ý.
Bình luận (0)