Ngày 9-4, tại buổi họp báo Quý I năm 2021 của Bộ Quốc phòng, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, cho biết khu vực biên giới phía Bắc chịu ảnh hưởng rất nhiều của bom mìn còn lại. Đây là một trong những điều lo lắng, đau đáu của các cấp, từ Đảng, Nhà nước, Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trong nhiều cuộc họp, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhiều lần nhắc đến việc này.
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, cho biết khu vực biên giới phía Bắc chịu ảnh hưởng rất nhiều của bom mìn còn lại từ chiến tranh biên giới - Ảnh: Thường Xuân
Đến năm 2019, đã chính thức đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội phê chuẩn một khoản kinh phí để rà phá bom mìn tại một số khu vực của tỉnh Hà Giang.
Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam trực tiếp tham gia báo cáo đề xuất này. Trong chiến tranh biên giới từ năm 1979-1989, Hà Giang là một trong những trọng điểm. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bộ đội hy sinh tại Hà Giang là hơn 4.000 người. Trong đó, đã tìm kiếm, quy tập được hơn 2.000 hài cốt, còn hơn 2.000 hài cốt chưa tìm kiếm và quy tập được.
Số hài cốt đang nằm rải rác lẫn vào những khu vực ô nhiễm mìn nặng. Khó khăn rất lớn trong việc quy tập hài cốt liệt sĩ là phải kết hợp tìm kiếm hài cốt và rà phá bom mìn, không thể làm bừa bãi.
Bên cạnh đó, nguồn lực hạn chế, các nước và các tổ chức quốc tế có thể tài trợ nhưng không đi đến những địa bàn khó khăn này. Việc huy động, sử dụng những nguồn lực quốc tế vào những khu vực này rất khó khăn
Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cho sử dụng ngân sách dự phòng năm 2019 để hỗ trợ và bổ sung một dự án, hiện nay đang thực hiện.
Có rất nhiều vùng bị ô nhiễm ở Hà Giang, địa hình cực kỳ phức tạp và hiểm trở, các điểm cao trên đỉnh núi cheo leo. Việc vướng mìn trong quá trình di chuyển, thao tác rất nhiều.
Dự kiến dự án này cố gắng tìm kiếm, quy tập khoảng 600 hài cốt liệt sĩ ở điểm cao Vị Xuyên, một trong những vị trí trọng điểm. Lực lượng thực hiện dự án là thuộc Quân khu 2 và một số đơn vị khác phối hợp. Thực hiện chỉ định làm theo nhiệm vụ chứ không phải cơ chế kinh doanh hoặc đấu thầu.
Đến nay, công việc cơ bản đã xong. Việc rà phá cơ bản hoàn thành, tiếp theo là hoạt động tìm kiếm và quy tập hài cốt. Đã quy tập được rất nhiều hài cốt liệt sĩ, song vấn đề đặt ra là phải phân tích AND để xác định danh tính liệt sĩ.
"Một trong những yêu cầu trong quá trình thực hiện dự án là không để bất kỳ người dân hoặc bộ đội nào phải hy sinh. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, đặc biệt là Quân khu 1, 2 phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát sao các hoạt động trong quá trình thực hiện dự án, hỗ trợ mọi phương tiện vật chất và mọi điều kiện để thực hiện thành công dự án này, đến nay cơ bản đã thành công"- Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ
Ông cũng cho biết thời gian tới (năm 2021-2025), Bộ Quốc phòng chủ trương tiếp tục đầu tư vào khu vực Hà Giang, giải quyết tốt các điểm như Yên Linh, Xín Mần - những điểm rất nóng nhưng trước chưa làm được.
Thứ hai, cố gắng tìm và huy động quốc tế. Hiện nay, có một tổ chức toàn cầu có uy tín trong lĩnh vực này, với gần 10.000 nhân viên trên toàn thế giới, đã đồng ý vào hỗ trợ Việt Nam ngay trong tháng 4-2021. Đặc biệt, họ đồng ý đưa theo các thiết bị vào các khu vực khó khăn, nhạy cảm của ta.
"Trong công tác rà phá bom mìn, chúng ta muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng phương tiện rà phá hiện đại chúng ta không có. Ví dụ các nước có thiết bị có tầm với cao có thể gắp mìn và bóp nổ quả mìn trong thiết bị này, với giá gần 2 triệu USD. Ta không có thiết bị này. Địa hình hiểm trở, khó khăn song tổ chức quốc tế này cho biết nếu tổ chức tốt vẫn làm được và họ sẽ hỗ trợ ta việc này" - Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Việt Nam là nạn nhân trực tiếp của một số lượng lớn bom, vật nổ còn sót sau chiến tranh và đang chịu nhiều hậu quả liên quan về người và vật chất, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính từ năm 1964 đến 1975, Việt Nam đã hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) công bố ngày 3-4-2018, số lượng bom đạn đã sử dụng còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn tấn, gồm các loại bom, mìn, vật nổ rải rác tại toàn bộ 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc, bao gồm 9.116 xã còn bị ô nhiễm bom, mìn ở các mức độ khác nhau, chiếm 81,87% tổng số xã trên toàn quốc. Tổng diện tích đất hiện còn bị ô nhiễm bom mìn tính đến tháng 12-2017 là trên 6,1 triệu héc-ta, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước.
Bình luận (0)