Ngày 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 47. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi), với sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu.
Lo không kịp áp dụng việc bỏ sổ hộ khẩu
Theo Báo cáo Một số vấn đề lớn xin ý kiến của UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng trình bày, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.
Tại kỳ họp thứ 9, nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại thủ đô Hà Nội và TP HCM để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.
Một số ý kiến băn khoăn, cho rằng quy định thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú (sửa đổi) từ ngày 1-7-2021 là "không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế". Từ đó, đề nghị trong luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi. Trong lộ trình này, nên tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Ông Hoàng Thanh Tùng phân tích để áp dụng phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của dự luật, Thường trực UBPL cho rằng cần ít nhất 2 điều kiện cơ bản. Thứ nhất, phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân. Thứ hai, tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của luật (cơ quan công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng; cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Qua kết quả khảo sát, Thường trực UBPL nhận thấy còn khá nhiều ý kiến lo ngại về việc bảo đảm thực hiện các điều kiện thi hành luật sau khi ban hành. Vì lý do đó, Thường trực UBPL đồng tình với các ý kiến của ĐBQH, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp song song với hệ thống điện tử đến hết ngày 31-12-2025.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: NGUYỄN NAM
Thủ tục lạc hậu thì phải bỏ!
Cơ quan chủ trì soạn thảo luật là Bộ Công an không đồng tình với quan điểm của UBPL.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình, áp dụng từ 1-7-2021 và không để thời gian chuyển tiếp tới năm 2025. "Việc tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu cho tới năm 2025 là không phù hợp, không thực tế. Đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân, của công dân. Nếu kéo dài thêm 1 nhiệm kỳ, tức là 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện việc đổi mới này không cao" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh quan điểm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ đề xuất của Bộ Công an và Chính phủ, áp dụng theo mốc thời gian luật có hiệu lực, chứ không kéo dài thời gian chuyển tiếp tới năm 2025.
"Trên thế giới không còn bao nhiêu nước sử dụng sổ hộ khẩu trong khi nước ta để quá lâu nên đến lúc cần bỏ. Tôi rất ủng hộ việc này. Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Cần giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà. Tôi từng mất sổ hộ khẩu, làm lại vất vả, khai tới khai lui" - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng cần rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là thông tư, nghị định có rất nhiều thủ tục hành chính liên quan giao dịch, hợp đồng, dịch vụ cần có sổ hộ khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trước khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2021).
Bình luận (0)