Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp vẫn duy trì đà phát triển và có những điểm sáng. Đạt được kết quả này là do UBND tỉnh đã chủ động thực hiện chủ trương "Đồng hành cùng doanh nghiệp", "Chính quyền theo hướng điện tử" bằng những hành động cụ thể, thiết thực; ứng dụng thương mại điện tử trong mua bán hàng hóa; triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp thông minh, mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn kết với thương mại điện tử như: "Cây xoài nhà tôi", "Cây cam vườn tôi", "Ruộng nhà mình"; ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực.
"Về tình hình hoạt động ngành TT-TT, Đồng Tháp luôn quan tâm về ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai nền tảng một số cơ sở dữ liệu dùng chung. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh đã cung cấp trên 5.000 tài khoản, bảo đảm 100% cán bộ, công chức đều có hộp thư công vụ để trao đổi công việc", ông Phạm Thiện Nghĩa nói thêm.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2020 - 2021 với Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương đã dự thảo Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh, đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị; thí điểm lắp đặt hệ thống màn hình giám sát với 9 tấm ghép hướng đến xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh; TP Sa Đéc đã ký kết hợp tác với VNPT Đồng Tháp về Đề án xây dựng Sa Đéc phát triển thành thành phố thông minh, giai đoạn 2020 - 2030.
Tại buổi làm việc, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ TT-TT hỗ trợ triển khai thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở kế thừa các kết quả đạt được của công tác cải cách hành chính xây dựng chính quyền thân thiện, chính quyền điện tử và đặc biệt là chuyển đổi số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ Đồng Tháp trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông; tư vấn, hỗ trợ ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin; nghiên cứu và hỗ trợ cho địa phương xây dựng khu công nghệ cao hoặc liên kết với các khu công nghệ cao lớn, nhằm tạo động lực và hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - nhấn mạnh rằng: "Chuyển đổi số bao gồm các thành tố: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Do đó, lãnh đạo mỗi sở, ngành phải đặt câu hỏi: Bắt đầu chuyển đổi số như thế nào và tạo giá trị gì? Đồng thời nghiên cứu chuẩn hoá bộ tiêu chí đánh giá, lượng hoá các giá trị chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; mời doanh nghiệp công nghệ thông tin vào cuộc, kết nối với các sở, ngành tỉnh".
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Đồng Tháp nên có Nghị quyết chuyên đề, có chiến lược về chuyển đổi số; chú ý những điểm mới, chính sách mới, công nghệ mới; dành ít nhất 1% ngân sách hằng năm cho phát triển công nghệ thông tin. Để đẩy nhanh triển khai chuyển đổi số, yêu cầu tỉnh cần mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc, dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả sẽ triển khai chính thức ngay. Tinh thần là phải cố gắng, phải tìm cách làm mới, phải tin học hóa nền hành chính và cơ sở dữ liệu phải được chia sẻ. Cùng với đó, phát triển các ứng dụng dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu...
"Đồng Tháp muốn thành công trong các nhiệm vụ thì cần đột phá về con người giỏi; cần phát huy vai trò người đứng đầu, quan điểm tiếp cận vấn đề của người đứng đầu rất quan trọng đối với xây dựng chính quyền điện tử", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nói thêm.
Dịp này, lãnh đạo Bộ TT&TT và UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2020 - 2021; Cục Tin học hóa thông tin chuyên đề chuyển đổi số cho tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, trọng tâm là chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Du lịch (nâng cao trải nghiệm của du khách), giáo dục (nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục), y tế (nâng cao khả năng chăm sóc sức khoẻ cho người dân) và nông nghiệp (nâng cao khả năng dự báo và tiếp cận thị trường).
Bình luận (0)