Thứ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Quý Kiên vừa ký giấy phép cho Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn nhận chìm ngoài khơi Vũng Tàu 14,3 triệu m3 bùn. Đây là số bùn phát sinh trong quá trình nạo vét khi thi công dự án Cảng biển Tổ hợp hóa dầu Long Sơn.
Vị trí Bộ TN-MT chấp thuận cho Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn nhận chìm 14,3 triệu m3 bùn tại khu A ngoài khơi biển Vũng Tàu (cách mũi Vũng Tàu khoảng 10 km) đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy hoạch để đổ vật liệu nạo vét theo quyết định 44/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2011.
Tọa độ vị trí giao cho công ty hóa dầu Long Sơn đổ bùn nạo vét
Theo văn bản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khu A có sức chịu tải khoảng 69 triệu m3 bùn thải. Thành phần của vật chất nhận chìm gồm cát mịn, bụi và sét. Hàm lượng kim loại nặng trong vật liệu nạo vét nhỏ hơn giới hạn cho phép.
Bộ TN-MT đồng thời cũng quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển cho Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn với diện tích 600ha, độ sâu được phép sử dụng từ 30 m đến 34 m, với thời gian sử dụng nhận chìm kéo dài 2 năm (từ 1-4-2019 đến 31-3-2021). Tiền sử dụng khu vực biển là 135 tỉ đồng.
Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn phải đăng ký phương tiện chuyên chở vật liệu nhận chìm đã gắn thiết bị giám sát hành trình với các đơn vị chức năng và ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm để phục vụ việc kiểm tra.
Vị trí khu A cách mũi Vũng Tàu khoảng 10 km
Giấy phép cũng yêu cầu trong trường hợp việc nhận chìm không đảm bảo an toàn, một trong các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay việc nhận chìm.
Dự án hóa dầu Long Sơn nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 5,4 tỉ USD, nằm trên diện tích 464 ha đất và 194 ha mặt nước.
Đây là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin khoảng 1,6 triệu tấn/năm và các nguyên liệu khác như polyetylen, ploypropylen,...trong công suất hơn 2 triệu tấn/năm, tiến tới thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu. Dự kiến, Tổ hợp hóa dầu Miền Nam sẽ đi vào hoạt động từ 2023.
Bình luận (0)