Sau khi dư luận phản đối kế hoạch "nhận chìm vật chất" xuống biển Bình Thuận, nhiều địa phương như Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng nhận được những lời đề nghị đổ hàng triệu mét khối bùn, cát thải.
Chỉ còn chờ cấp phép
Ngày 11-11, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Định, xác nhận vẫn chưa trình UBND tỉnh cho phép nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam.
"Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên chúng tôi phải kiểm tra, thẩm định lại dự án một cách thận trọng. Nạo vét luồng hàng hải để tàu ra vào cảng Quy Nhơn là việc làm thường xuyên, định kỳ 2 năm/lần nhằm phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, cuộc sống người dân và phát triển du lịch" - ông Thành bày tỏ.
Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn. Tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0; chất thải gồm đất bùn, cát. Việc nạo vét lớp trầm tích trong bùn để nhận chìm nhằm khơi thông luồng chảy, bảo đảm cho tàu, thuyền ra vào cảng Quy Nhơn. UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở TN-MT tỉnh phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh các hồ sơ để kiểm tra, thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét cấp phép việc nhận chìm.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dự án nạo vét luồng lạch bồi lắng ở cảng Quy Nhơn đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ TN-MT cũng đã chấp thuận. Về mặt chủ trương, địa phương đồng ý cho các đơn vị triển khai thi công dự án này.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam liên quan việc góp ý kiến hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm bùn ở biển của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam.
Theo hồ sơ, khu vực đề xuất nhận chìm bùn của công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu là ở ngoài khơi Vũng Tàu (khu A), nằm trong khu vực đã được quy hoạch tại Quyết định 44/2011/QĐ-UBND (về việc phê duyệt đánh giá quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh). Đây là vị trí được quy hoạch đổ bùn của dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, cách Mũi Vũng Tàu 10 km.
Quyết định nêu rõ từ năm 2011-2020, tổng khối lượng nạo vét các dự án dự kiến 71 triệu m3. Theo văn bản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khu A có sức chịu tải 69 triệu m3 lượng bùn thải. Thời gian qua, tỉnh đã đồng ý cho phép đổ bùn thải nạo vét tại khu vực này với tổng khối lượng khoảng 21 triệu m3.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp ý, yêu cầu Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam lập kế hoạch quan trắc môi trường chi tiết; giao Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát các phương tiện vận chuyển bùn nạo vét, bảo đảm đúng vị trí cho phép.
Tại Quảng Ngãi, ngày 3-11, UBND tỉnh có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở TN-MT làm việc cụ thể với Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc để tạm dừng việc nhận chìm 62.000 m3 bùn thải xuống biển Tịnh Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi). UBND tỉnh Quảng ngãi còn chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát lại việc đề xuất cấp giấy phép nhận chìm, báo cáo lại UBND tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép nhận chìm 62.000 m3 vật chất xuống biển. Tuy nhiên, dư luận quan ngại về vị trí nhận chìm sẽ ảnh hưởng lớn tới biển Bình Châu - Lý Sơn và các vùng phụ cận (nơi đang làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu)...
Chính quyền và người dân Bình Định đang lo ngại về đề xuất nhận chìm bùn thải xuống biển Quy Nhơn Ảnh: ANH TÚ
Trầm tích biển như khối u ung thư
PGS-TS Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học - khẳng định trầm tích dưới biển cũng như khối u ung thư. Nếu nó nằm yên ở dưới đó thì không sao nhưng khi đã moi lên rồi mà không biết cách xử lý sẽ gây tác hại rất lớn. Quốc tế cũng đã có 2 bộ tài liệu hướng dẫn về việc nhận chìm bùn thải xuống biển để tránh được tác hại.
Các nước trên thế giới vẫn nhận chìm bùn thải xuống biển bình thường, thậm chí còn nhận chìm cả chất thải độc hại. Tuy nhiên, họ làm đúng bài bản vì mục tiêu dân sinh nên được người dân ủng hộ. "Việt Nam mình thường thì sợ tốn kém nên cứ thế mang ra đổ, ai chết, người đó chịu chứ không theo phương pháp trong tài liệu quốc tế đã chỉ dẫn" - PGS-TS Nguyễn Tác An lo ngại.
Theo TS An, trước khi nhận chìm bùn thải thì cần điều tra hiện trạng vị trí, dòng chảy, hệ sinh thái; đánh giá sự ảnh hưởng đối với người dân làm du lịch; thời điểm nhận chìm; công nghệ là thả xuống hay gói lại… Tất cả đều phải công khai, minh bạch cho người dân biết và đồng thuận.
"Anh gây ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm, đền bù thiệt hại. Nhưng người ký cho phép cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Phải xử lý nặng chứ không thể rút kinh nghiệm rồi xong được" - TS An đề xuất.
TS An cho rằng việc nhận chìm bùn thải là hoạt động kinh tế. Do đó, cần nghiên cứu về kinh tế giữa cái lợi và cái thiệt hại. Các tài nguyên, hệ sinh thái, các ngành kinh tế liên quan, tiềm năng... đều phải được quy ra tiền. Nếu đổ thải lợi được 2 đồng mà phá hoại hết 10 đồng thì rõ ràng không được phép làm.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN-MT, cho rằng vùng biển ven bờ phải hứng chịu tác động của các hoạt động kinh tế. Do đó, việc quản lý phải liên ngành, tổng hợp; nếu không thì sẽ xuất hiện tình trạng mâu thuẫn giữa các ngành. Thành tích của ngành này lại hủy hoại ngành khác là không được. Chất thải đổ ra biển thì xong việc nhưng thủy sản lại chết, bà con ngư dân và các ngành dựa vào giá trị bảo tồn thiên nhiên đều thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Chu Hồi, thế giới đã có luật, có quy định muốn nhận chìm bùn thải thì phải quy hoạch không gian. Chỉ những không gian đó mới được cấp phép. Còn nước ta chưa có quy hoạch này. Việc quy hoạch ở ta mang tính "đem quy hoạch trên bờ áp cho biển", như vậy rất khó. "Quốc hội đang xem xét để có quy hoạch tổng thể, bài bản. Còn việc cấp phép nhận chìm bây giờ như "thầy lang bốc thuốc" - họp 5 ngày, 7 ngày xem hồ sơ 500 trang - thì không thể chính xác, nhiều sơ hở" - ông Hồi nhận xét.
TS Lê Đình Mầu, Phó Viện trưởng Viện Hải Dương học, cho rằng theo quy định hiện hành, nhận chìm dưới 500.000 m3 bùn cát ở biển thì thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cấp phép chứ không thuộc Bộ TN-MT nữa. Ông Mầu lo ngại nhân lực cấp tỉnh chưa đủ trình độ, kinh nghiệm để đánh giá. Do đó, việc nhận chìm bùn cát cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ càng để tránh phát tán, ảnh hưởng đến môi trường, người dân.
Bình Định rất lo
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh đang đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan tuân thủ quy định hiện hành về bảo vệ môi trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh để kiểm tra, giám sát quá trình nhận chìm bùn cát.
"Bình Định chú trọng phát triển du lịch biển, đảo nên rất lo và thận trọng trong nhấn chìm bùn cát ở vùng biển Quy Nhơn" - ông Châu cho biết.
Bình Thuận dùng bùn nạo vét để lấn biển
Ngày 11-11, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cho biết Cảng vụ Hàng hải tỉnh đã chính thức cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1) triển khai việc nạo vét gần 1 triệu m3 bùn cát tại bến quay tàu và cảng than của nhà máy. Toàn bộ chất nạo vét này sẽ được san lấp, lấn biển tại cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Hiện một số vị trí ven biển ở thôn Vĩnh Tiến, xóm 7 của xã Vĩnh Tân và một số khu vực khác ở TP Phan Thiết bị triều cường xâm thực, gây sạt lở nặng. Vì thế, toàn bộ số lượng chất nạo vét sẽ được sử dụng để lấn biển.
"Có nhiều phương án sử dụng hiệu quả chất nạo vét. Nhưng tối ưu vẫn là xây kè ven biển, sau đó đổ chất nạo vét vào bên trong, "nhốt" lại. Phương án này đã được tỉnh kiến nghị, đề xuất từ lâu, vừa bảo đảm môi trường biển vừa hữu ích" - ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, phân tích.
Bình luận (0)