Liên quan đến đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Tài chính cho biết phương án trình đã được Ủy ban Tài chính -Ngân sách thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến trước khi trình QH tại kỳ họp này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Phạm Thắng
Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay, nhất là 6 tháng nữa. Phương án trình phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan đến đề xuất đưa ôtô vào diện được giảm thuế VAT 2%, Bộ trưởng Tài chính cho biết ôtô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ôtô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.
Theo Bộ trưởng, vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn, tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.
Về việc triển khai các dự án ODA của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng để thực hiện theo tiêu chí của Nghị quyết 41 và hướng tạo cơ chế hỗ trợ cao nhất cho các địa phương.
Về quyết toán ngân sách, trước ý kiến của một số đại biểu về giao vốn chậm bổ sung nhiều lần chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn… Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần tư duy thiết kế lại Luật Đầu tư công, nếu không năm nào cũng sẽ có chung nhận định giải ngân chậm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư quá lâu, trong khi phần thi công xây lắp và phần quyết toán lại nhanh. Do đó, Bộ trưởng đề nghị QH ủng hộ để thiết kế lại. Cần phải phân cấp mạnh mẽ, khi đó các địa phương mới hăng hái nhận triển khai dự án từ vốn ODA. Liên quan đến vốn thường xuyên, sau khi có Nghị quyết của QH thì Bộ đã phân bổ hết cho các tỉnh/thành phố; phân bổ trọn 1 lần.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị hoàn thiện pháp luật ở một số lĩnh vực như đầu tư công hay ngân sách phải linh hoạt hơn, chủ động hơn. Theo đó, có thể giao cho Thủ tướng quyết định các danh mục đầu tư, phân cấp về vấn đề rừng, đất, tách phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, sử dụng dự phòng đầu tư công, dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác…
Liên quan đến tồn dư ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết số tiền này đã được bố trí nhiệm vụ chi và đã có trong dự toán ngân sách được HĐND tỉnh và QH phê chuẩn. Vì vậy, không thể lấy nguồn này để chi cho các nhiệm vụ chi khác. Hiến pháp đã quy định là các khoản chi đều phải nằm trong dự toán. Do đó, muốn thay đổi cơ cấu chi này phải trình lại với QH. Đây là nguồn tạm thời nhàn rỗi do vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân được nên nằm đó, ngoài ra còn có tiền tích lũy quỹ tiền lương…
Lý giải tại sao nguồn tồn dư ngân sách không gửi vào ngân hàng thương mại mà gửi vào Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính cho biết điều này để bảo đảm an toàn, tránh rủi ro và gửi ngắn hạn.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ và Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện để góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Phạm Thắng
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của Ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế.
Riêng năm 2023, chỉ có một số đặc thù, đó là quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm (710.000 tỉ đồng, cao hơn khoảng 23%); các yếu tố phát sinh về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng; tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài...
Để đẩy nhanh vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số giải pháp như rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Bộ trưởng cũng đề nghị đại biểu QH tăng cường công tác giám sát tại địa phương mình, ngành mình, giúp Chính phủ trong thời gian tới.
Bình luận (0)