Chiều 8-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là Nghị quyết mới).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các ý kiến thảo luận là hết sức tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm đối với dự thảo Nghị quyết mới.
Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay vấn đề này hầu hết được các đại biểu đồng tình, ủng hộ, thống nhất, thể hiện trách nhiệm rất cao và tình cảm rất lớn đối với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, TP HCM đang chững lại cả về tốc độ phát triển cũng như đóng góp trong GDP của cả nước, cũng như là tính đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa cho các vùng xung quanh. Các vấn đề phát sinh mới của thành phố như: ách tắc giao thông, ngập úng, các vấn đề đầu tư xã hội... là những cản trở, thách thức rất lớn của TP HCM. Do vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới như các đại biểu nêu là hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay để giúp cho thành phố có cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới đây, đóng góp lớn hơn cho cả vùng xung quanh cũng như là cho cả nước.
Về việc xây dựng các cơ chế chính sách, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất như nhiều đại biểu nói. Cơ chế chính sách là phải cơ chế chính sách nào, có đủ mạnh không, có đi vào thực tế không, có hiệu quả không, nếu không thì lại giảm ý nghĩa của nghị quyết của Quốc hội đi.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định tất cả các chính sách đều phải bám vào nguyên tắc và tất cả các chính sách mà các đại biểu nêu cũng đều xoay quanh 3 vấn đề: một là khơi thông và huy động nguồn lực; hai là phân cấp, phân quyền; ba là cho phép được thực hiện những quy trình, thủ tục rút gọn để thuận lợi và giảm thời gian. Xoay quanh 44 chính sách cũng chỉ tập trung vào 3 vấn đề như vậy.
"Quan trọng nhất là các chính sách mới, gồm 27 chính sách đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng và chọn lọc, mới đầu là 53 chính sách nhưng sau đó thì quyết định chọn 44 chính sách. Chúng tôi đã trao đổi rất kỹ và thống nhất rất cao với TP HCM cũng như là các bộ, ngành liên quan" - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, đề xuất các chính sách là để tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt thể chế, vừa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế của thành phố, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
"Hôm nay, có rất nhiều đại biểu có các gợi ý mới, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng thành phố và các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu, nhất là trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề mới thiết thực và phù hợp hơn, mạnh hơn thì chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội sau" - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình thảo luận, có một số ý kiến cho rằng các chính sách của chúng ta quá nhiều, đang còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa đủ mạnh. Ví dụ, có ý kiến cho rằng nếu TP HCM cần một nguồn lực thì sao không xây dựng một chính sách để cho thành phố phát hành trái phiếu quốc tế hay vay một khoản vay nào khoảng 20 tỉ, 30 tỉ USD để giải quyết toàn bộ vấn đề hạ tầng cốt lõi, quan trọng, chiến lược, đồng bộ cho thành phố thì "ra tấm", "ra món".
"Chỉ cần một việc đấy rồi cho một cơ chế đặc thù để thực hiện làm sao cho đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Sau đó, thành phố bứt phá lên được, có quy mô, rồi đóng góp trở lại cho đất nước. Chúng ta hoàn toàn có khả năng trả lại khoản tiền đấy một cách bình thường, không ảnh hưởng đến các chỉ số. Đấy là việc chúng tôi cần quan tâm và sẽ nghiên cứu trong thời gian tới để làm sao đảm bảo một cách phù hợp" - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay.
Về thời hạn của nghị quyết, có đại biểu Quốc hội nêu cần kéo dài hơn, làm sao trùng với cả thời kỳ quy hoạch cho đến 2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là "một ý rất hay". Bộ sẽ cùng với TPHCM, Ủy ban Tài chính-Ngân sách sẽ nghiên cứu, nếu phù hợp và không ảnh hưởng gì đến các vấn đề liên quan khác thì sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xử lý và tiếp thu ý kiến này.
Về tổ chức thực hiện, theo Bộ trưởng KH-ĐT, hiện nay TP HCM đã xây dựng một chương trình và có kế hoạch để triển khai thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết mới này. Chính phủ cam kết sẽ giám sát và đồng hành, hỗ trợ thành phố, các bộ, các ngành sẽ tham gia cùng với thành phố để làm sao đưa nghị quyết này vào cuộc sống, phát huy được cao nhất và mang lại hiệu quả lớn nhất cho thành phố.
"Với khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố cũng như là sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, sự đồng hành của các ban, bộ, ngành trung ương, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng Nghị quyết mới sẽ nhanh chóng được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống, góp phần cho thành phố phát triển nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng với sứ mệnh của mình trong giai đoạn tới đây.
Vì vậy, chúng tôi cũng rất mong muốn được sự ủng hộ, xem xét và thông qua dự thảo Nghị quyết mới trong kỳ họp lần này" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Bình luận (0)