Chiều 7-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan là "tư lệnh" ngành đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Các vấn đề về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, điệp khúc "được mùa mất giá" hay giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu Bộ NN-PTNT.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về tình trạng "được mùa mất giá" và đến lúc nào thì điểm nghẽn này được khắc phục triệt để.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan - Ảnh: Quochoi.vn
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn cho biết "không thoái thác trách nhiệm", nhưng nếu có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương thì vấn đề tiêu thụ nông sản sẽ được giải quyết tốt hơn. Bộ trưởng dẫn chứng bài học từ xoài Sơn La, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang hay nhãn lồng của Hưng Yên.
Nhắc lại câu nói của lãnh đạo tỉnh Hải Dương: "Đất đai Hải Dương có manh mún nhưng tư duy của người nông dân Hải Dương không manh mún", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng sự liên kết, hợp tác để tạo thành chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là vô cùng quan trọng.
Với đặc thù của nông nghiệp là đối mặt với nhiều rủi ro từ thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, Bộ trưởng cho rằng phải dũng cảm, kiên trì đi cùng nhau thì với giải quyết được câu chuyện "được mùa mất giá".
Nhắc đến vai trò của địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết một số tỉnh đã chủ động trong tiếp thị nông sản, lãnh đạo tỉnh xuất hiện tại các hội nghị xúc tiến để tiếp thị cho sản phẩm tỉnh nhà. "Tôi cho rằng, hình ảnh của lãnh đạo địa phương tại các buổi xúc tiến, tiếp thị cũng là thương hiệu cho nông sản của địa phương đó, qua đó kêu gọi doanh nghiệp để kết nối, tiêu thụ nông sản"- ông Lê Minh Hoan nói.
Ở góc nhìn xuất khẩu và chế biến nông sản, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu thô nên giá trị nông sản không cao, phụ thuộc vào một số thị trường lớn tiềm ẩn rủi ro. Vị đại biểu đề nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT đưa ra các giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này.
Thừa nhận nhóm hàng trái cây còn yếu ở khâu chế biến, mặc dù đã có không ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Lê Minh Hoan, một số địa phương như Sơn La, Gia Lai... đã có các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây vì họ đánh giá cao tính liên kết của nông dân tại các vùng nguyên liệu ở địa phương đó.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, doanh nghiệp còn e ngại đầu tư vào chế biến nông sản do chất lượng nguồn nguyên liệu không ổn định, thiếu tính liên kết giữa các địa phương để cung ứng nguyên liệu đầu vào thường xuyên, liên tục. "Như vải thiều Bắc Giang, mỗi năm chỉ dồn vào một vụ khoảng 2 tháng, sau 2 tháng đó doanh nghiệp chế biến lấy nguồn nguyên liệu ở đâu để sản xuất, đây là vấn đề liên kết vùng nguyên liệu"- ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng băn khoăn về hợp đồng giao kết giữa doanh nghiệp và người dân về việc cung cấp nguyên liệu dễ bị phá vỡ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. "Mối liên kết này còn lỏng lẻo, có thể có hợp đồng rồi nhưng vì lý nào đó, có thể vì tăng giá, bà con lại đưa hàng ra ngoài bán mà không cung cấp cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký. Thực tiễn diễn ra hàng ngày, địa phương phải sâu sát việc này"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn đã đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào nội dung đại biểu chất vấn. Nhắc đến phần chất vấn của đại biểu Trần Thị Hoa Ry về việc điểm nghẽn của tình trạng được mùa mất giá ở đâu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng trả lời trực tiếp vào nội dung này.
"Với trách nhiệm quản lý nhà nước và tư lệnh ngành, lĩnh vực, nếu Bộ trưởng trả lời rằng, để giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu thì hỏi địa phương, vậy vai trò của Bộ NN-PTNT ở đâu?"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (đoàn Sóc Trăng) chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc nông sản Việt xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán trong nước còn thấp, giải pháp Bộ trưởng đưa ra là gì để giải quyết vấn đề này.
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết mặt hàng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, xoài xuất sang Mỹ với giá cao, nhưng trong đó chi phí logistics chiếm tỉ trọng rất lớn. Bộ trưởng cũng đặt vấn đề, giá nông sản xuất khẩu cao nhưng có phân bổ lại được cho người nông dân hay không. Do đó, Bộ trưởng cho rằng đừng quá háo hức với câu chuyện xuất khẩu nông sản giá cao.
Theo ông Lê Minh Hoan, có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói với ông về việc tầng lớp trung lưu trong nước hiện nay nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản Việt giá cao. "Vậy thị trường 100 triệu dân của chúng ta nằm ở đâu, phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì trước tiên cần xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bình luận (0)