Ngày 9-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, ngay sau khi phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng kết thúc, từ 9 giờ 15 phút, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.
Nhóm vấn đề chất vấn của lĩnh vực giao thông vận tải gồm tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội từ sáng 9-6
Ngoài trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ GTVT cho biết trong thời gian qua đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng và cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng an ninh và xóa đói giảm nghèo.
Trong đó, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 1.239 km đường bộ cao tốc, đang triển khai xây dựng 883 km và dự kiến tiếp tục khởi công 2.024 km đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM...
Về thực trạng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Bộ GTVT cho biết theo thống kê đến thời điểm năm 2019, cả nước đã huy động được khoảng 706.128 tỉ đồng đầu tư 222 dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư - PPP (63 dự án BOT, 4 dự án BT, 1 dự án BT kết hợp BOT và 2 dự án BOO).
"Các công trình đầu tư theo phương thức PPP được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm bảo quốc phòng - an ninh, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế"- báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã nhìn nhận đây là hình thức đầu tư mới, phức tạp, nhiều tình huống phát sinh trong thực tiễn không thể lường trước được, trong khi các chủ thể, kể cả phía cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng đều chưa có kinh nghiệm về đầu tư PPP, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện, dẫn đến trong quá trình đầu tư và khai thác đã phát sinh vướng mắc, bất cập... chưa nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.
Những vướng mắc, bất cập này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ ra tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Triển khai Nghị quyết số 437 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hình thức PPP nói chung.
Đồng thời, rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông để xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư.
Bình luận (0)