Chiều 4-6, phiên chất vấn thứ 2 của kỳ họp thứ 5- Quốc hội khoá XIV dành cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà.
Ô nhiễm không khí Hà Nội không tới mức nghiêm trọng
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu tình trạng ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng, nhất là tại các TP lớn. "Theo bản tin hàng ngày, cứ 10 ngày thì 9 ngày người dân Hà Nội phải hít thở không khí có bụi cao quá mức cho phép. Bộ trưởng có giải pháp gì ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này?" – ĐB Trí đặt vấn đề.
Cũng chất vấn nhóm vấn đề này, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) dẫn số liệu thống kê cho thấy có tới 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém, dẫn đến một số bệnh như viêm phổi, bụi phổi, viêm phế quản...
Trả lời 2 ĐB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay ông không đồng tình với các số liệu công bố được ĐB dẫn ra. "Số liệu từ một trạm quan trắc của một tổ chức, phản ánh mang tính cục bộ. Còn các trạm quan trắc mà Bộ TN-MT, Hà Nội và TP HCM đang có thì chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng như vậy. Tất nhiên chúng ta phải thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí ở các khu đô thị lớn, đô thị tập trung, đặc biệt liên quan đến giao thông, xây dựng... là rất lớn. Nguồn từ hoạt động giao thông là có" - Bộ trưởng khẳng định.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong cả nước, trong đó xác định các địa phương sẽ đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí. Từ đó, sẽ biết nguồn ô nhiễm là ở đâu, khi nào? "Chúng ta phải công bố toàn bộ số liệu đó để người dân biết chính xác, chứ không phải từ một đài quan trắc mà phát thông tin đi trên thế giới như vậy" – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lại.
Bộ trưởng cũng cho biết cần thực hiện kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, cụ thể là phải kiểm soát các nguồn ô nhiễm, đặc biệt là giao thông theo hướng tiến tới tăng cường giao thông công cộng; cần kiểm soát ô nhiễm bụi từ xe cộ đi vào TP...
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Anh Trí cho hay thông tin về bụi trong không khí tại Hà Nội được ông lấy ở bản tin hàng ngày phát vào tuần trước. Thông tin này ngoài ĐB Trí thì nhiều người cũng đọc. "Tôi là bác sĩ, tôi biết biết bụi gây ô nhiễm rất nghiêm trọng trong đời sống của chúng ta" – vị ĐB nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhấn mạnh.
Trưởng ngành TN-MT một lần nữa khẳng định "không phải nói là không ô nhiễm mà vấn đề là số liệu mang tính cục bộ, không phản ánh chung vào hiện trạng chất lượng môi trường của Hà Nội và TP HCM".
Sốt đất là đương nhiên!?
Đánh giá việc quản lý đất đai luôn là vấn đề khó, nhạy cảm, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ mối quan tâm đến thị trường đất đai tại các địa phương dự kiến hình thành đặc khu như Vân Đôn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nếu đang hết sức sôi động, diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội. "Bộ trưởng có biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ TN-MT, địa phương đã giải quyết thế nào, đã thực sự yên tâm chưa?" - ĐB Hà Nội đặt câu hỏi.
Chất vấn này của ĐB Trí trong lần đặt câu hỏi đầu tiên đã không được "tư lệnh" ngành TN-MT trả lời.
Trong phần tranh luận, ĐB Trí nhắc Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Về thị trường đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang sôi động, tôi chưa thấy được trả lời".
Bộ trưởng Bộ TN-MT thừa nhận trong vấn đề quản lý đất đai, đúng là tầm nhìn của chúng ta còn hạn chế. "Khi có kỳ vọng thì theo quy luật là đổ xô vào đầu tư. Chúng ta biết nhưng chưa làm được việc phòng ngừa thay vì biện pháp hành chính. Nhưng ngay cả dự án sân bay Long Thành đã có giải pháp phòng ngừa từ cách đây 5 năm nhưng thực tế dân người có nhiều biện pháp giao dịch ngầm như uỷ quyền cho người mua..." - Bộ trưởng nói.
Vị đứng đầu ngành tài nguyên kiến nghị: Việc đưa ra Chỉ thị về tình hình sốt đất ở 3 địa phương có đặc khu là đúng nhưng hình thức ban hành chỉ thị là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo ông, muốn quản lý khả thi phải có cơ chế, quy chế đặc biệt, như ban hành Nghị quyết của Quốc hội. Rộng hơn, phải tính toán trong luật sở hữu đất đai để tiên lượng được các vấn đề như ĐB nêu.
"Sốt đất là đương nhiên nhưng nghiêm trọng là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp. Trình độ, năng lực, tính nhạy cảm của cơ quan quản lý chưa kịp thời, khi quy hoạch đầu tư, việc đền bù phải áp dụng biện pháp nào để đảm bảo công bằng. Tôi cho rằng lúc này, địa phương tại các đặc khu phải tập trung xem hồ sơ đất đai để quản lý hiện trạng trước khi thực hiện đền bù. Như vậy, sẽ đảm bảo người dân, người đến khai hoang xứng đáng được hưởng, còn người dầu cơ không được hưởng" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bình luận (0)