Ngày 4-4, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Theo Đại tướng Tô Lâm, gần đây một số loại tội phạm có dấu hiệu phức tạp, trong đó có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em (chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và còn tiềm ẩn). Qua báo cáo của công an các đơn vị, địa phương, phản ánh của báo chí cho thấy, mặc dù lực lượng công an và các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em nhưng hiệu quả còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Ảnh trích xuất từ clip ông cựu viện phó VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh ôm hôn một bé gái trong thang máy gây phẫn nộ
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các ngành chức năng thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước về phòng, chống tội phạm; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ở nhiều địa phương như bạo lực học đường, hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là vụ học sinh 10 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội; vụ hiếp dâm tập thể bạn học lớp 10 ở Quảng Trị, vụ bố đẻ hiếp dâm con gái 10 tuổi, 14 tuổi ở Long An, Bắc Giang; vụ nhiều học sinh THCS đánh bạn ở Hưng Yên, Nghệ An; vụ cô giáo đánh nhiều học sinh THCS ở Bà Rịa - Vũng Tàu… gây dư luận hoang mang, bức xúc trong xã hội.
Để tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình, khảo sát, đánh giá, xác định diện trẻ em thường bị bạo lực, xâm hại; diện đối tượng có hành vi xâm hại và bạo lực; xác định các hành vi bạo lực, xâm hại có nguyên nhân từ bản thân các em, gia đình, nhà trường, xã hội để tuyên truyền, thông báo cảnh giác phòng tránh; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đại tướng Tô Lâm cũng giao Cục Cảnh sát Hình sự chủ trì xây dựng kế hoạch, phối hợp hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương triển khai "Chương trình phối hợp số 11/CTPH" ngày 26-2 giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2019 – 2022.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả dự án "Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người" giai đoạn 2018 – 2020; phối hợp tiếp nhận và hướng dẫn công an các địa phương tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đầu số 111) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp các ngành liên quan tăng cường nắm tình hình, quản lý các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền, kích động, cổ súy bạo lực, dâm ô, đồi trụy, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thu thập, phân tích dữ liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bình luận (0)