Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Trước ngày khai giảng, em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5M2 trường Marie Curie Hà Nội, đã gửi bức thư cho thầy Hiệu trưởng đề nghị nhà trường hạn chế hoặc không thả bóng bay vào ngày khai giảng.
Bức thư được lan truyền rộng rãi như một lời kêu gọi về ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều trường học sau đó cho biết sẽ không thả bóng bay vào ngày khai giảng.
Nguyệt Linh viết thư cho thầy hiệu trưởng của mình đề nghị không thả bóng bay tại lễ khai trường
Sau bức thư của em Nguyệt Linh gây xúc động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi thư cho Nguyệt Linh, khen ngợi hành động thiết thực của em. Nguyên văn bức thư của Bộ trưởng Trần Hồng Hà:
"Bác đã đọc bức Thư mong trường học không thả bóng bay vào ngày khai trường của Con qua các phương tiện truyền thông. Bức thư với những lời lẽ chân thành nhưng vô cùng ý nghĩa, khiến bác và nhiều người vô cùng xúc động.
Bác cũng biết rằng, việc không thả bóng bay kèm theo những ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là Con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ ý nghĩa hơn. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa.
Thầy hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cũng đã viết thư gửi lại con, và khẳng định sẽ có một "Lễ khai giảng Nguyệt Linh" không bóng bay tại trường. Như vậy là một hành động nhỏ của Con đã mang lại ý nghĩa lớn và thiết thực cho trái đất. Điều này nếu được nhân rộng ra các trường học khác, và các bạn khác cũng có ý thức bảo vệ môi trường giống như Con thì tốt biết bao.
Bác hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng lớn hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu từ hành động nhỏ của Con.
Nhân dịp khai giảng năm học mới, bác gửi tặng Con món quà nhỏ, thể hiện tấm lòng của bác. Bác mong những ước mơ của Con sẽ sớm trở thành hiện thực, và Con sẽ cùng bác, cùng thế hệ trẻ đồng hành bảo vệ môi trường, bảo vệ tương lai cho chúng ta".
Cùng với bức thư, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có gửi tặng em Nguyệt Linh món quà nhỏ là chiếc balô, một cây bút và một bình đựng nước không làm từ nhựa.
Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề môi trường lớn thứ hai chỉ sau biến đổi khí hậu. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy lượng rác thải nhựa mỗi năm đủ để bao quanh 4 vòng trái đất với hàng loạt hệ lụy về sức khỏe con người, quần thể sinh vật và môi trường sống.
Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) nêu 4 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực từ rác thải nhựa gồm: Sức khỏe con người, môi trường và sinh vật biển, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, cuối cùng là chất lượng cuộc sống và kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến đời sống sinh vật biển.
Ngày 18-3-2019 vừa qua, các nhà hoạt động môi trường phát hiện một chú cá voi chết ở vùng biển thuộc thị trấn Mabini, tỉnh Compostela Valley, miền Nam Philippines. Quá trình giải phẫu chú cá voi dài 4,7 mét, các nhà môi trường kinh ngạc khi phát hiện hơn 40 kg rác trong bụng cá voi. Nguyên nhân cái chết được cho là do chú cá voi này không thể ăn vì bụng chứa quá nhiều rác nhựa, trong đó có cả những hộp xốp đựng thức ăn. Theo WWF, 270 loài sinh vật bị ảnh hưởng trực tiếp từ rác thải nhựa đại dương, trong đó, hơn 240 loài có nhựa trong hệ tiêu hóa. Phòng chống rác thải nhựa đang là mục tiêu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, quốc gia được đánh giá là thải nhựa nhiều thứ 4 châu Á.
Bình luận (0)