Chiều 14-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả heo châu Phi, ổn định tâm lý người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu thịt heo khi dịch bệnh đi qua.
Ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị thuộc bộ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông cho rằng 16 tỉnh, thành phố đã có dịch bệnh và đang có nguy cơ tăng nhanh nên không thể dừng lại ở những giải pháp như vừa qua đã triển khai.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh triệu tập buổi họp khẩn về dịch tả lợn Chấu Phi- ảnh: MOIT
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị tất cả lãnh đạo Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thực hiện nghiêm việc xử lý dịch bệnh, tránh việc ảnh hưởng lớn đến đời sống, người dân và doanh nghiệp; tránh ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, CPI, sức khỏe người tiêu dùng và an toàn thực phẩm.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục QLTT phải tổ chức ngay đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá về việc tổ chức triển khai nhiệm vụ và phối hợp tại các địa phương đang có dịch bệnh, nguy cơ lây lan và đường biên giới ngay trong tháng 3 này.
Ông Trần Tuấn Anh cũng giao Tổng cục QLTT sớm xây dựng kế hoạch, cô lập vùng có dịch bệnh, tránh lây lan sang các vùng khác.
Trong diễn biến bệnh dịch phức tạp, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Kế hoạch, Cục Xuất Nhập khẩu tổng hợp đánh giá, cân đối bình ổn thị trường thông qua kịch bản tăng trưởng, đề xuất giải pháp phối hợp các Bộ ngành, có thông tin kịp thời để không ảnh hưởng đến thị trường, nhất là đối với ngành chăn nuôi lợn.
"Nghiên cứu đánh giá lại quy mô cũng như tiềm năng của xuất khẩu thịt lợn sang các thị trường, từ đó có biện pháp kịp thời để vừa bảo đảm giải quyết được sớm các dịch bệnh trong nước vừa giữ được thương hiệu, hình ảnh thông qua kiểm soát về chất lượng trong sản phẩm xuất khẩu để bảo đảm sự phát triển của thị trường"- ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo báo cáo nhanh của Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, tính đến chiều ngày 14-3, dịch tả heo châu Phi đã bùng phát tại 16 địa phương và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tổng cục xác định các nguyên nhân thứ nhất do sự gia tăng của tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Thứ hai, do cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi vào Việt Nam.
Kế tiếp là do lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt heo nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan...).
Nguyên nhân cuối cùng được nhận định là phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh
Bình luận (0)