Tại cuộc họp báo quý IV của Bộ Tư pháp ngày 23-1, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, cho biết thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đang trong quá trình rà soát, đánh giá về hoạt động của đồng tiền ảo (bitcoin) hiện nay ở Việt Nam và quốc tế để có báo cáo Chính phủ trong tháng 8-2018, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tiền ảo, tiền điện tử.
Vấn đề tiền ảo bitcoin đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu theo 2 hướng: tài sản sở hữu và giao dịch tiền tệ. "Bộ Tư pháp đang trong quá trình xây dựng hồ sơ quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Đến tháng 12-2018, Bộ Tư pháp sẽ trình hồ sơ lên chính phủ để xem xét" - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, phát biểu tại buổi họp báo
Theo tiến trình của Bộ Tư pháp, dự kiến năm 2020, bộ sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành trong hệ thống để phù hợp với việc quản lý tiền ảo, tiền điện tử. "Giao dịch tiền ảo bitcoin là ẩn danh, công cụ của nhiều loại tội phạm. Tiền ảo là dạng kỹ thuật số, nguy cơ bị đánh cắp rất cao. Bên cạnh đó, giá trị biến động, rủi ro trong đầu tư rất lớn. Hiện nay, chưa được cơ quan nhà nước quản lý nên khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý" - ông Hải nhấn mạnh.
Về công tác thi hành án năm 2017, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự Mai Lương Khôi cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng là phòng chống vi phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức thi hành án dân sự. Theo đó, năm 2017, đơn vị thi hành kỷ luật đối với 29 trường hợp cán bộ vi phạm công vụ thi hành án dân sự. Trong đó, việc bán đấu giá tài sản ngôi nhà của "bầu" Kiên (tức Nguyễn Đức Kiên) tại số 5 Hồ Biểu Chánh (TP HCM) đã có kết luận, chỉ ra những thiếu sót, vi phạm và đơn vị đang xử lý những cá nhân liên quan. Ông Mai Lương Khôi khẳng định không có chuyện bao che cho cán bộ trong vụ việc thi hành án tài sản "bầu" Kiên.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ thi hành án dân sự vi phạm, trong đó có vi phạm hình sự, đặc biệt trong việc bán đấu giá tài sản nhà đất, theo ông Khôi, đó là hạn chế, tồn tại của ngành nhiều năm nay. Đội ngũ công chức, chấp hành viên thi hành án còn hạn chế về năng lực trình độ, đạo đức nên cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện khắc phục chấn chỉnh. Đồng thời, trường hợp nào không còn xứng đáng thì sẽ xử lý triệt để, nghiêm khắc.
Bình luận (0)