Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa bốc thăm xác định danh sách cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập tại 7 bộ, cơ quan, đơn vị thuộc trung ương, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Năm đầu tiên xác minh tài sản cán bộ
Kết quả bốc thăm đã lựa chọn ra 8 cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 cán bộ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, 5 cán bộ thuộc Bộ Xây dựng. Ngoài ra, tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lựa chọn 3 người, tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 3 người và tại Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước có 3 người; hầu hết là lãnh đạo chủ chốt.
Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền quản lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong 7 bộ, cơ quan, đơn vị thuộc trung ương có cán bộ lãnh đạo nằm trong danh sách xác minh tài sản của Thanh tra Chính phủ
Theo lãnh đạo TTCP, đây là năm đầu tiên TTCP nói riêng và các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung thực hiện xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn nhằm đánh giá chính xác, trung thực rõ ràng của bản kê khai và nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền kiểm soát.
Vì sao chọn hình thức bốc thăm?
Xung quanh thông tin TTCP bốc thăm xác định danh sách cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập tại 7 bộ, cơ quan, đơn vị thuộc trung ương, dư luận đặt câu hỏi đây có phải hình thức mới được đề xuất, thực hiện trong bối cảnh nhiều vụ việc tham nhũng, nhận hối lộ được cơ quan điều tra đưa ra xét xử?
Theo lãnh đạo TTCP, Nghị định 130 quy định việc phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của tỉnh, thành phố. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về hình thức lựa chọn, người cần xác minh được lựa chọn ngẫu nhiên và công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Tuy nhiên, do việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn đang được thực hiện nên TTCP sử dụng hình thức bốc thăm.
Cần công khai kết quả
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kê khai tài sản là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; có ý nghĩa phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, việc xác minh tính trung thực của ban kê khai tài sản của cán bộ càng quan trọng hơn, từ đó đánh giá được cán bộ có che giấu tài sản hay không.
Đánh giá cao hình thức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng việc này nhằm tránh sự sắp đặt, lên danh sách từ trước để cán bộ có thời gian chuẩn bị, làm giảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động xác minh của TTCP. "Bốc thăm ngẫu nhiên danh sách được xác minh tài sản, thu nhập bảo đảm sự công bằng, khiến người thuộc diện kê khai tài sản phải luôn có ý thức về việc kê khai trung thực, qua đó đề cao tính tự giác, chính trực của người cán bộ. Việc xác minh ngẫu nhiên có thể rơi vào bất cứ ai, không được báo trước nên những người có ý định che giấu tài sản, thiếu trung thực trong kê khai đều có thể bị xác minh bất cứ lúc nào" - PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhìn nhận.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận xét việc kê khai tài sản được triển khai trong thời gian qua vẫn còn nặng tính hình thức. Do đó, cần những cuộc xác minh "ngẫu nhiên" để nâng cao tính tự giác, trung thực khi kê khai tài sản. "Từ hoạt động bốc thăm xác minh bản kê khai tài sản, mỗi cán bộ thuộc diện kê khai phải tự soi xét, đánh giá lại bản thân xem việc kê khai đã tuân thủ các quy định hiện hành hay chưa, có còn che giấu hay không...?" - ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội này cũng góp ý trình tự bốc thăm lựa chọn cán bộ được xác minh kê khai tài sản cần được thực hiện công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi để người dân được biết. Quan trọng hơn cả là kết quả xác minh cũng phải được công khai song song với thực hiện biện pháp xử lý nghiêm sai phạm nếu có theo quy định để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng tính răn đe với cán bộ nói chung. Ngoài ra, hoạt động xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ cũng cần được thực hiện thường xuyên hơn.
Cảnh tỉnh, đòi hỏi trung thực
Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận định việc bốc thăm để xác định ngẫu nhiên tài sản, thu nhập của cán bộ là một trong nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng. Việc này có ý nghĩa cảnh tỉnh, nâng cao tính trung thực nhiều hơn là phát hiện vi phạm.
Dẫn điều 51 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng pháp luật đã quy định rõ về việc xử lý hành vi kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực. Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
Cũng theo quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp nêu trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, những trường hợp này sẽ bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Lào Cai: Xác minh tài sản của 19 người thuộc 3 đơn vị
Không riêng TTCP, vừa qua, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Gần đây nhất, ngày 5-10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh Lào Cai lựa chọn ngẫu nhiên theo hình thức bốc thăm để xác minh tài sản, thu nhập của 19 người thuộc 3 cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Theo đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai, việc xác minh tài sản, thu nhập là để cơ quan có thẩm quyền biết rõ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cùng những biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng.
Bình luận (0)