Nhằm khắc phục tình trạng bồi lấp ở cửa biển Tam Quan (tỉnh Bình Định), địa phương đã triển khai dự án nạo vét khơi thông luồng kết hợp tận thu cát với kinh phí hàng chục tỉ đồng. Dù vậy, cửa biển vẫn tiếp tục bị bồi lấp.
Bồi lấp nghiêm trọng
Bình Định có số lượng tàu cá lớn nhất nước với khoảng 6.000 chiếc, trong đó có nhiều tàu đánh bắt xa bờ. Riêng thị xã Hoài Nhơn có khoảng 2.100 chiếc đánh bắt xa bờ, chiếm 1/3 số lượng tàu trong tỉnh. Do cửa biển Tam Quan ngày càng bồi lấp, ngư dân thị xã Hoài Nhơn gặp nhiều khó khăn trong việc hành nghề và tránh trú bão.
Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Tam Quan, cho biết tàu trung bình neo đậu ở cảng này từ 1.000 - 1.200 chiếc từ ngày 17 đến 22 âm lịch hằng tháng để bán hải sản và nhập nguyên liệu, hàng hóa. Do khu vực ra vào cảng thường xuyên bị bồi lấp nên nhiều tàu phải đến cảng Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi) neo đậu. Trong khi đó, các hoạt động ở cảng này, từ mua bán hải sản, cung cấp nhiên liệu, hàng hóa đều thất thu, thiệt hại lớn về kinh tế cho địa phương.
Theo nhiều ngư dân, tình trạng bồi lấp ở cửa Tam Quan xuất hiện từ năm 2004 và ngày càng nghiêm trọng. Cát bồi lấp quá lớn dẫn tới luồng lạch ra vào cửa biển thu hẹp đến mức không đủ chỗ để tàu quay đầu. Tàu công suất lớn hành nghề câu cá ngừ đại dương hoặc mành chụp muốn ra vào khu neo đậu phải thuê tàu lai dắt.
Tuy nhiên, cát bồi lấp nặng ở cửa biển, đặc biệt là tại vị trí đầu kè chắn sóng nên ngư dân phải di chuyển tàu qua khu vực bãi con, cạnh núi Trường Xuân. Song, khu vực này sóng gió khá lớn, tàu ra vào rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Cửa biển Nhật Lệ bị bồi lấp nghiêm trọng khiến nhiều tàu cá ra vào khó khăn Ảnh: HOÀNG PHÚC
Tỉnh Quảng Bình có 5 cửa biển chính, là cửa Gianh, Nhật Lệ, Lý Hòa, sông Dinh, Lạch Roòn đều bị bồi lấp nặng nề. Nghiêm trọng nhất là Nhật Lệ và Lạch Roòn.
Ngư dân Phạm Tuệ, chủ tàu cá QB.91115-TS (TP Đồng Hới), cho biết cửa Nhật Lệ rất cạn, tàu ra vào nguy hiểm, gặp sóng to dễ bị đánh chìm. Để an toàn, nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải cập bến ở nơi khác, vừa mất thời gian vừa tăng chi phí chuyến đi biển.
Tương tự, tình trạng bồi lấp nghiêm trọng ở Lạch Roòn đã làm hàng chục tàu, thuyền mắc cạn, hư hỏng, đặc biệt là mùa mưa bão. Tàu của địa phương có công suất lớn phải vào các cửa biển của Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng… để neo đậu.
Cửa Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế) rộng 1.000 m nhưng lâu nay bị bồi lấp nặng nề, luồng lạch qua nhiều lần nạo vét chỉ rộng chừng 100 m nhưng biến động thất thường vào mùa mưa bão. Khu vực cửa biển đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn chìm tàu làm nhiều ngư dân chết, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Tháng 8-2019, dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải tại cửa Thuận An với kinh phí 9,5 tỉ đồng được triển khai với kế hoạch hoàn thành vào đầu tháng 9-2019. Nhưng sau khi nạo vét, nhiều tàu cá vẫn mắc cạn. Đơn cử, sáng 20-2-2020, tàu do ông Nguyễn Văn Bảo làm thuyền trưởng trên đường vào bờ va đá ngầm, mắc cạn, phải nhờ lực lượng cứu hộ lai dắt vào bờ. Ngày 1-3-2020, tàu do ông Ngô Văn Bảo (ngụ tỉnh Thanh Hóa) làm thuyền trưởng khi đến phao số 2 thì mắc cạn, gãy chân vịt; lực lượng cứu hộ phải điều phương tiện ứng cứu.
Do luồng lạch cửa Thuận An hạn chế độ sâu nên cảng chỉ đáp ứng những tàu dưới 1.500 tấn. Thời điểm này, dù trời yên biển lặng nhưng tàu hàng (trọng tải 1.000 - 1.500 tấn) vào cảng khó khăn, phải lợi dụng thủy triều lên cao mới chầm chậm tiến vào.
Cửa Tư Hiền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng bị bồi lấp nặng nề, hầu như tàu công suất từ 200 CV trở lên đều không thể ra vào. Nhiều chủ tàu phải đưa tàu vào Đà Nẵng "đồn trú" hoặc neo đậu ngoài biển, sau đó bơi thuyền thúng vào bờ lấy ngư cụ để tiếp tục ra khơi.
Vét rồi, bồi lấp lại
Tại cửa biển Tư Hiền, năm 2013 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Xây dựng đã cho Công ty CP Khai thác khoáng sản 55 nạo vét tận thu cát xuất khẩu với mục tiêu xã hội hóa khơi thông cửa biển. Tuy nhiên, hiện một cồn cát dài gần 500 m, rộng 200 m chắn ngang cửa biển khiến tàu thuyền công suất lớn không thể ra vào.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang làm thủ tục triển khai dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trong đó có phần nạo vét và xây dựng kè chỉnh trị luồng lạch.
Từ năm 2015, UBND thị xã Hoài Nhơn đã triển khai dự án nạo vét khơi thông luồng, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn khu vực cửa biển Tam Quan. Dự án có quy mô nạo vét trên 1.278 m, bề rộng thông luồng 60 m và vùng quay tàu 120 m, kinh phí thực hiện trên 37 tỉ đồng. Được chọn thực hiện dự án, mỗi năm Công ty TNHH Tân Lập đưa thiết bị đến cửa biển Tam Quan hút hàng trăm ngàn mét khối cát, gấp nhiều lần so với khối lượng theo thiết kế, song tình trạng bồi lấp vẫn tái diễn.
"Họ nạo vét không đúng vị trí. Chỗ cần nạo vét khơi thông luồng lạch thì không làm, chỉ lo hút cát" - một ngư dân địa phương bức xúc nói.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết địa phương đã mời cả nhà khoa học tìm "kế sách" giải quyết tình trạng cửa biển Tam Quan bị cát bồi lấp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khả thi, bền vững để xử lý dứt điểm. Công việc hiện nay chỉ là nạo vét khơi thông luồng mang tính tạm thời.
Bình luận (0)