Nhiều cửa biển miền Trung bị bồi lấp vì không được đầu tư nạo vét. Việc này khiến năng lực đầu tư và khai thác vận tải biển, phát triển đánh bắt thủy hải sản của ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề, gây nguy hiểm vào thời điểm mưa bão. Nhiều lần chính quyền và người dân đề xuất cho nạo vét nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Nhiều vụ tai nạn
Tại tỉnh Quảng Bình, 4 cửa biển là Nhật Lệ (TP Đồng Hới); Lý Hòa, sông Dinh (huyện Bố Trạch) và Lạch Roòn (huyện Quảng Trạch) đều bị bồi lấp, nhất là cửa Nhật Lệ và Lạch Roòn, khiến nhiều tàu cá không thể ra khơi hoặc thường xuyên bị mắc cạn khi trở về.
Cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình) bị bồi lấp, bồi lắng nghiêm trọng khiến nhiều tàu cá không thể ra khơi Ảnh: HOÀNG PHÚC
Anh Phạm Anh Đức, ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới), cho biết: "Do cửa biển bị bồi lấp, hẹp luồng lạch đã khiến 300 tàu có công suất 90CV của xã này phải neo đậu ở các địa phương khác. Nhiều năm qua, các tàu lớn của bà con ngư dân trong xã sau đợt ra khơi đều phải xuống hàng tại cảng biển các tỉnh lân cận. Mỗi lần trung chuyển cá, ngư dân tốn thêm thời gian và tiền bạc".
Các cửa biển ở tỉnh Quảng Trị cũng chung cảnh ngộ. Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Quảng Trị, nhìn nhận thời điểm này, luồng vào cảng và khu nước trước Cảng cá Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) bị bồi lấp, biến đổi dòng chảy gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Nhiều tàu thuyền đã bị mắc cạn, gãy chân vịt khi vào khu vực cảng cá này. Tàu thuyền đánh bắt về phải neo ngoài cửa biển rồi thuê tàu nhỏ trung chuyển hải sản, hàng hóa vào bờ rất tốn kém.
Cửa Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là nơi giao thoa giữa phá Tam Giang với biển. Cửa rộng 1.000 m nhưng đang bị bồi lấp nặng gây khó khăn cho tàu thuyền ngư dân ra khơi. Tuy luồng lạch đã nhiều lần nạo vét nhưng thời tiết thất thường vào mùa mưa bão, khu vực cửa biển này đã xảy ra không ít vụ chìm tàu cá khiến nhiều ngư dân thiệt mạng, tổn thất lớn về tài sản. Ông Trần Sinh, chủ một tàu cá trú tổ dân phố Hải Tiến (thị trấn Thuận An), thừa nhận dù có kinh nghiệm nhiều năm đi biển nhưng tàu ông vẫn bị sóng đánh, mắc cạn. "Vào mùa biển động, dòng chảy ở đây khó lường lắm, điều khiển tàu đi bất cẩn một chút là gặp nguy hiểm ngay" - ông Sinh nói.
Do luồng lạch cửa Thuận An bị bồi lắng, hạn chế độ sâu nên hiện cảng Thuận An chỉ đáp ứng những tàu tải trọng dưới 1.500 tấn. Thời điểm này, dù trời yên biển lặng nhưng tàu hàng (trọng tải 1.000-1.500 tấn) vào cảng rất khó khăn. Các tàu đều đợi thủy triều lên cao mới vào được cửa biển. Hiện cửa Tư Hiền nằm giữa xã Lộc Bình và xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) cũng rơi vào tình trạng bồi lấp nặng nề. Hầu như các tàu cá công suất từ 200 CV trở lên đều không thể ra vào cửa này. Nhiều chủ tàu cá phải đưa tàu vào Đà Nẵng "đồn trú" hoặc neo đậu ngoài biển, sau đó bơi thuyền thúng vào bờ lấy ngư cụ để tiếp tục ra khơi.
Theo ngư dân Trương Chí Hào (phường Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), từ năm 2018 đến nay, luồng Cửa Đại bị cát bồi lấp nghiêm trọng. Các thuyền lớn muốn ra vào phải canh giờ thủy triều lên và phải có người dò đường mới lưu thông được. Tỉnh Quảng Ngãi có 6 cửa biển nhưng cũng trong tình trạng bị bồi lấp. Dù chính quyền địa phương những năm qua đã đầu tư nạo vét cửa biển nhưng vẫn không đủ để khắc phục tình trạng bồi lấp. Ông Nguyễn An, chủ tàu cá ở Sa Huỳnh, cho biết mấy chục năm qua, gia đình ông sống nhờ vào nghề biển nhưng trong 4-5 năm trở lại đây, do cửa biển Sa Huỳnh bị bồi lấp nặng nên mỗi lần tàu về cập cảng rất khó khăn, có lúc va vào đá, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Trước đây, cửa biển Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là nơi ra vào thường xuyên của khoảng 1.500 tàu thuyền. Nhưng từ năm 2010 đến nay, khu vực này thường xuyên bị bồi lấp, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào dù chính quyền địa phương đã triển khai các phương án khắc phục.
Cần sớm nạo vét
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), cho rằng biển Cửa Đại từng bị bồi lấp nặng vào năm 2013. Thời điểm đó, Cục Đường thủy nội địa đã tiến hành nạo vét, khai thông hệ thống luồng giáp với huyện Duy Xuyên. Đến cuối năm 2016, tình trạng bồi lấp xuất hiện trở lại sau đợt lũ lớn và Cục Đường thủy nội địa cũng đã tổ chức nạo vét vào năm 2017. Thế nhưng, đến năm 2018 thì nơi đây tiếp tục bị bồi lấp. Cách đây 2 tháng, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa có vào khảo sát và thống nhất lập hồ sơ gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để tiến hành nạo vét trong năm 2019. "Mong Cục Đường thủy nội địa sớm tổ chức nạo vét để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy cũng như sản xuất kinh tế của ngư dân" - ông Hùng nói.
Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình, tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cho phép lấy nguồn kết dư từ đền bù sự cố môi trường biển để nạo vét cửa biển.
Theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bố trí 5 tỉ đồng để xử lý bồi lấp ở cảng cá Cửa Tùng. Theo quy trình, tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và chờ lấy ý kiến thỏa thuận kỹ thuật của Bộ NN-PTNT mới triển khai công trình.
Cửa biển Thuận An và cửa biển Tư Hiền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị bồi lấp đã được nhiều ngư dân kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 18-5-2018 khi đoàn công tác Chính phủ đến thị trấn Thuận An gặp gỡ ngư dân. Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay dự kiến kinh phí để nạo vét, khơi thông luồng lách tại cửa biển Tư Hiền khoảng 250 tỉ đồng. Hiện chưa có nguồn kinh phí nên chưa thể triển khai.
Ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Trước mắt, tỉnh đề nghị sớm nạo vét khẩn cấp để ngư dân có thể lưu thông. Về lâu dài, chúng tôi đề nghị cục có giải pháp tổ chức nạo vét luồng bền vững theo hướng xã hội hóa song phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng vì hiện cửa biển Cửa Đại đang có sự biến thiên rất phức tạp". Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nhận định trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư nhiều dự án nạo vét, thông luồng các cửa biển nhưng do kinh phí ít nên nhiều dự án không phát huy hiệu quả.
Tại tỉnh Bình Định, cát bồi lấp quá lớn dẫn tới luồng lạch ra vào cửa biển Tam Quan đang bị thu hẹp đến mức không đủ chỗ để tàu quay đầu. Các tàu có công suất lớn hành nghề câu cá ngừ đại dương hoặc mành chụp muốn ra vào khu neo đậu tại cảng phải thuê tàu lai dắt. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nói: "Chúng tôi đã giao Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng huyện làm tờ trình về việc kết thúc dự án nạo vét khơi thông luồng kết hợp với tận thu cát nhiễm mặn khu vực cửa biển Tam Quan trước thời hạn để đánh giá lại phương án nạo vét; đồng thời, khảo sát và nghiên cứu thêm giải pháp xử lý cát bồi lấp ở khu vực cửa biển".
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc duy tu, nạo vét cửa biển đòi hỏi phải có một dự án lớn với hoạt động lâu dài; nếu nạo vét theo định kỳ ngắn, cát sẽ bồi lắng trở lại. Đồng thời, phải xây thêm kè biển để hạn chế bồi lắng.
Khơi thông không hiệu quả
Ông Trương Văn Đông, Giám đốc Công ty CP Cảng Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết: "Tại cửa biển này, năm 2013, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Xây dựng đã cho Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản 55 nạo vét tận thu cát xuất khẩu với mục tiêu xã hội hóa khơi thông cửa biển. Tuy nhiên, cửa biển vẫn bị bồi lấp. Việc nạo vét không hiệu quả mà còn làm cho luồng lạch thay đổi do nạo vét không đúng quy định. Hiện một cồn cát dài gần 500 m, rộng 200 m chắn ngang cửa biển khiến tàu thuyền công suất lớn của 2 xã Vinh Hiền, Lộc Bình không thể ra vào.
Bình luận (0)