Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Sử Ngọc Anh đã phản ánh ngoài sức ép về công việc và họp hành, sở còn một sức ép khác là tham gia quá nhiều tổ công tác, ban chỉ đạo (BCĐ). Theo ông Ngọc Anh, ban giám đốc, lãnh đạo các phòng, cán bộ, công chức của sở đang tham gia 329 tổ công tác, BCĐ của UBND TP và các bộ, ngành, sở... liên quan.
Nhiều đến mức không nhớ nổi
Trước con số mà giám đốc Sở KH-ĐT đưa ra, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lê Hoài Trung phải thốt lên: "Nhớ hay đó! Bản thân tôi muốn biết đã tham gia bao nhiêu BCĐ, hội đồng, tổ giúp việc, tổ công tác, tổ liên ngành, ban quản lý dự án… (gọi chung là BCĐ - PV) thì phải ngồi thống kê lại mới đưa ra được con số chính xác".
Minh họa: KHỀU
Ông Trung cho biết ông cũng tham gia một số BCĐ của trung ương. Có BCĐ thành lập đến nay đã 3-4 năm nhưng chỉ họp được 2 lần. Ông Trung cũng là thành viên 5-6 tổ biên nghị định Chính phủ và đến giờ chót mới mời ra họp lấy ý kiến.
Việc "bội thực" BCĐ dường như rơi vào hầu hết lãnh đạo các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã trên địa bàn TP và cả ủy viên UBND TP, đến mức họ không nhớ nổi đã đứng tên tham gia bao nhiêu BCĐ. Một số lãnh đạo phường còn thừa nhận dù có tên trong BCĐ nhưng chưa đi họp lần nào và cũng không biết "mặt mũi" BCĐ ra sao vì ban không hoạt động gì.
"Tôi tham gia khá nhiều BCĐ như an toàn giao thông, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn… Đại khái thế thôi vì không thể nhớ hết được, chỉ nhớ những BCĐ hoạt động hiệu quả và mình có tham gia. Thực tế thì nhiều BCĐ tồn tại cho có, đâu họp hành gì, khi nào có chuyện mới lôi ra làm. Việc kiêm nhiệm nhiều khiến công việc bị dàn trải, không tập trung" - một phó chủ tịch phường ở quận 1 bày tỏ.
Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM Cao Thanh Bình cho rằng việc lập nhiều BCĐ dẫn tới chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và lãnh đạo phải kiêm nhiệm quá nhiều. Nếu BCĐ hoạt động hiệu quả, theo quy chế 1 tháng họp 1 lần thì nhiều khi lãnh đạo không đủ thời gian để họp chứ chưa nói đến giải quyết công việc.
Sáp nhập cũng không dễ
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nội vụ, hiện TP HCM có khoảng 200 BCĐ. Trong đó, chỉ khoảng 20 BCĐ hoạt động thường xuyên, hiệu quả như: Hội đồng Phổ biến pháp luật do Sở Tư pháp thành lập từ năm 1998 có nhiều hoạt động thiết thực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật; BCĐ cải cách thủ tục hành chính do Sở Nội vụ chủ trì, thường xuyên tư vấn, kiểm tra hoạt động của các sở - ngành, quận - huyện về tính công khai, minh bạch, đúng hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân...
Nêu điển hình BCĐ có cũng như không, ông Trung lấy ví dụ BCĐ về công nghệ thông tin được trung ương yêu cầu thành lập từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn không thấy hoạt động. "Nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Thái Hỷ từng đề nghị sáp nhập với BCĐ cải cách hành chính nhưng không được bởi 2 ban này có cơ quan thường trực khác nhau, tính chất hoạt động cũng khác nhau. Tính ra, BCĐ này thành lập cả chục năm nay rồi, "chết" thì không "chết" nhưng cũng không hoạt động dù nhân sự đã chuyển hoặc nghỉ hưu" - ông Trung kể.
Liên quan đến việc sáp nhập các BCĐ, ban quản lý (BQL), đầu tháng 6-2017, UBND TP HCM quyết định thành lập BQL Đầu tư các dự án ODA TP, trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị là BQL Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP, BQL Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP và BQL Đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP.
BQL Đầu tư các dự án ODA TP HCM chịu sự quản lý toàn diện và chỉ đạo trực tiếp của UBND TP; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của bộ, ngành trung ương cũng như sở, ngành liên quan. Theo đó, BQL Đầu tư các dự án ODA TP sẽ làm chủ đầu tư một số dự án của TP sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các nguồn vốn từ ngân sách do UBND TP giao hoặc từ các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật căn cứ vào quyết định phê duyệt dự án; tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng… Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng sáp nhập, đến nay, 3 ban trên vẫn mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai!
Lý giải câu chuyện trên, ông Lê Hoài Trung cho biết tuy đã có quyết định thành lập nhưng nhân sự chưa có nên BQL Đầu tư các dự án ODA TP vẫn chưa thể hoạt động. "Công tác nhân sự là một quy trình chặt chẽ, còn sáp nhập chỉ là gom lại thôi nên không thể có nhân sự liền. Chừng nào có nhân sự mới điều hành" - ông Trung nói. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng đúng ra phải chuẩn bị nhân sự đồng thời với việc sáp nhập, bởi gom lại tổ chức dễ hơn việc sắp xếp cán bộ.
GÓC NHÌN
Đừng để thành... ban chỉ đại
Nhìn lại lịch sử cải cách ban chỉ đạo (BCĐ), trong giai đoạn 2000-2010 - khi thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính yêu cầu giảm BCĐ, Vĩnh Long có sáng kiến mang tính tình thế là chỉ lập một BCĐ (động và mở) gồm các ủy viên UBND tỉnh, chủ tịch hay một phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực nào đó được phân công ủy quyền làm trưởng ban và 8 thành viên "cứng" là ủy viên UBND tỉnh. Công việc liên quan đến sở nào mà không có trong thành viên UBND tỉnh thì mời thêm sở đó tham gia BCĐ. Ví dụ, công việc liên quan đến học sinh, nhà trường thì mời thêm giám đốc sở giáo dục và đào tạo, liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm mời thêm giám đốc sở y tế...
Trước đây, cả nước từng có đợt đồng loạt cắt giảm BCĐ nhưng việc này cũng giống như trường hợp bỏ giấy phép con hay chuyện "cái đầu Phạm Nhan" - chặt bao nhiêu thì mọc lại bấy nhiêu, thậm chí còn mọc nhiều thêm.
Thật ra, không riêng địa phương nào, tình trạng này đã trở thành hội chứng của nền hành chính chồng chéo chức năng; phân công, phân cấp, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, thiếu khoa học từ trung ương tới địa phương. Có quá nhiều chương trình mục tiêu dẫn đến quá nhiều BCĐ. Bất cứ BCĐ nào cũng có lý do cho sự ra đời của mình, bởi "đã có quyết định thành lập tức là phải có mục đích cần thiết". Thế nhưng, thực tế, việc tham gia nhiều BCĐ như vậy chẳng khác gì ngồi cho "có tụ", làm sao có ý kiến chỉ đạo sâu sắc được. Thế nên, dư luận thường đàm tiếu gọi đó là "ban chỉ đại".
Chính vì vậy, đã đến lúc cần phải rà soát, thống kê, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các BCĐ hiện có, ngân sách hoạt động, số lượng, từ đó có lộ trình giải thể các BCĐ không cần thiết.
Diệp Văn Sơn
Bình luận (0)