Mới đầu buổi chiều nhưng không khí lạnh đã bao trùm ngôi Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông). Ngôi trường nằm trên đỉnh một quả đồi, quanh năm gió thốc.
Lớp đặc biệt trong phòng học đặc biệt
Nằm nép mình bên những dãy nhà xây, một lớp gồm những em học sinh đặc biệt đang được các thầy cô uốn nắn từng nét chữ, giảng từng bài toán trong phòng học cũng hết sức đặc biệt.
Nói lớp học đặc biệt là vì đây là lớp bồi dưỡng kiến thức cho 14 học sinh chưa đọc, viết được từ lớp 1 đến lớp 5. Còn phòng học đặc biệt là vì xung quanh được ghép bằng những tấm bìa gỗ cũ kỹ gắn vào các cột cũng làm bằng gỗ. Nếu không có những bộ bàn ghế học sinh và phần mái được làm bằng những tấm tôn thì nhiều người có thể lầm tưởng rằng đây là chuồng nuôi gia súc của người dân. Ở trường tiểu học này có đến 2 phòng học như vậy.
Khi chúng tôi tìm tới, cô giáo Lê Thị Thao đang hướng dẫn các em tập đọc, khi em này đã đọc được, cô lại sang em khác cầm tay chỉ từng nét chữ. Trong căn phòng học xập xệ này, gió đang thốc từng đợt lạnh như cắt nhưng nhiều học sinh mặc rất phong phanh, trên người chỉ độc chiếc áo thun ngắn tay. Thỉnh thoảng lạnh quá, một số em khoanh tay trước ngực rồi thoa nhanh hai cánh tay cho ấm. Phải ngồi học trong lớp học "đặc biệt" như thế này hẳn các em sẽ khó mà tiến bộ được nếu không có sự tận tâm của các thầy cô.
Một phòng học đặc biệt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng
Theo cô Thao, dạy học và ngồi học ở phòng học này cả giáo viên và học sinh đều khổ. Do phòng học tạm trống hoác nên nhiều khi chó, gà vào phóng uế đầy ra bàn. Tới giờ học, cô trò đều phải hì hụi xách nước rửa, lau chùi. "Phòng được làm bằng gỗ tạm nên mưa thì nước chảy vào nhếch nhác. Mùa đông thì gió rét lùa vào lạnh buốt" - cô Thao tâm sự. Không chỉ vậy, mỗi khi có gió mạnh hay bão thì cô và trò phải nghỉ học vì sợ lớp học sập.
Thầy A Vôn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết do trường không có phòng nên mới phải để học sinh học trong 2 phòng tạm bợ đó. Ngoài ra, nhà trường còn phải mượn nhà dân, mượn phòng của UBND xã Tê Xăng để lấy chỗ ở cho giáo viên.
Không phải học trong phòng tạm nhưng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Ri (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) lại thiếu chỗ ở cho giáo viên và học sinh trầm trọng. "Nhà trường phải bố trí các phòng chức năng để tận dụng chỗ ở nhưng vẫn không đủ. Thấy thế, các phụ huynh đã dựng tạm các căn phòng cho con em ở" - thầy Tưởng Văn Quang, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Ngoài 2 trường trên, tình trạng học sinh phải học trong các phòng học tạm bợ, cũ kỹ tiềm ẩn nguy cơ đổ sập đều có ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.
Nhiều điểm trường "3 không"
Không chỉ thiếu phòng học, phòng học tạm bợ, tại huyện Tu Mơ Rông có nhiều trường còn không có nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, nhà ăn bán trú. Những trường này được các giáo viên, người dân gọi vui là "trường 3 không".
Thầy Lê Văn Hoàn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, thống kê toàn huyện còn 25 nhà ăn bán trú tại các trường chưa được xây dựng, đang sử dụng nhà tạm; 90 điểm trường chưa có nhà vệ sinh, sân chơi, hàng rào... "Năm vừa rồi, phòng cố gắng lắm mới làm được khoảng 140 công trình vệ sinh tạm bằng tôn, tấm bê-tông tại các điểm trường để các em sử dụng" - thầy Hoàn nói.
Theo thầy Hoàn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn Xuôi (xã Văn Xuôi) là một trong những trường khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Thầy Lê Văn Giang, phó hiệu trưởng nhà trường, nói nhiều năm qua, các giáo viên phải phân công nhau đi xin nước nhà dân, hứng nước mưa, nhiều lúc khó khăn quá, giáo viên phải xuống suối lấy nước.
Hai thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn Xuôi phải vào nhà dân xin từng can nước về trường sinh hoạt
Khi chúng tôi tìm tới, 2 giáo viên của trường là thầy Phan Thanh Giản và thầy Phạm Ngọc Phương đang đến nhà dân xin từng can nước để chở về trường sinh hoạt, nấu ăn. "Lâu nay, các giáo viên phải xuống nhà dân thay nhau xin nước về cho học sinh bán trú tắm giặt, nấu cơm. Còn các giáo viên muốn tắm, giặt phải xuống nhà dân và trụ sở UBND xã" - thầy Giản nói.
Theo thầy Giang, nhà trường cũng có một giếng đào nhưng rất ít nước. "Giếng đào của nhà trường mỗi ngày chỉ bơm được 3 lần, mỗi lần được 10 phút là hết nước. Nước bơm từ giếng chỉ đủ dùng sinh hoạt nhỏ và nấu cơm cho thầy và trò, còn cứ chiều chiều, thầy và trò lại xách quần áo vào nhà dân tắm nhờ" - thầy Giang chia sẻ.
Không chỉ thiếu nước, nhiều trường còn không có nhà vệ sinh. Để khắc phục, các trường phải đào hố, quây tôn lại cho học sinh và giáo viên đi vệ sinh.
Đã cấp kinh phí
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết trước thực trạng tại một số điểm trường thiếu phòng học, huyện đã giao cho xã, phòng giáo dục và đào tạo tìm diện tích đất để xây dựng. Tuy nhiên, những vấn đề như thiếu nước, nhà vệ sinh thì không thể khắc phục được ngay mà phải khảo sát rồi khắc phục từng bước. "Riêng trong năm 2017, đã đầu tư 3 tỉ đồng để sửa chữa và xây mới nhà vệ sinh, đường ống nước. Mới đây, UBND tỉnh đã cấp hơn 2,7 tỉ đồng để tiếp tục làm nhà vệ sinh ở các điểm trường. Trong năm 2018, huyện tiếp tục đầu tư cho các điểm trường còn lại, dự kiến đến năm 2019 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước và nhà vệ sinh" - ông Mười nói.
Kỳ cuối: Bức xúc lắm thì mới rót tiền
Bình luận (0)