Những HLV lẫy lừng như Jose Mourinho, Zinedine Zidane, Mauricio Pochettino… cũng thế, có khi thắng như chẻ tre nhưng cũng có khi thua tan tác, phải khăn gói ra đi không kèn không trống. Cho nên U23 Việt Nam thua U23 Triều Tiên ở VCK giải U23 châu Á cũng là điều có thể hiểu được.
Nghề HLV bạc bẽo. Vinh quang đó, vực thẳm bên cạnh. Hơn ai hết HLV Park Hang-seo hiểu điều đó khi ông từng chia sẻ với báo chí Hàn Quốc: "Sau khi gặt hái vinh quang, bạn sẽ được tung hô, ca ngợi. Nhưng một ngày nào đó, sự nổi tiếng biến mất như làn khói". Và đó là bóng đá!
Nhưng vì sao dưới "triều đại" của HLV Park Hang-seo, các cấp độ đội tuyển thua một trận, thì lập tức có nhiều phản ứng trái chiều? Và ở VCK Giải U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam với tư cách là đương kim á quân có 2 trận hòa, 1 trận thua, bị loại ngay từ vòng bảng, càng có những phản ứng khác nhau.
Trả lời câu hỏi này cũng rất đơn giản. HLV Park Hang-seo đến với bóng đá Việt Nam từ tháng 10-2017 và rất nhanh, ông Park đã đưa bóng đá Việt Nam từ thành công này đến thành công khác. Ngay trong năm 2018, ông Park đã đưa bóng đá Việt Nam vào VCK Giải U23 châu Á 2018, vào bán kết Asiad 2018, vô địch AFF Cup 2018. Năm 2019, ông đưa Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2019. Cuối năm 2019, là chiếc HCV SEA Games lịch sử. Ở vòng loại World Cup 2022, bảng G, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tuyển Việt Nam đang ở đỉnh bảng và rất hy vọng đi tiếp.
"Triều đại" Park Hang-seo mới hơn 2 năm nhưng ông đã đem lại những ngày hội bóng đá tuyệt vời và truyền nguồn cảm hứng cho đời sống bóng đá Việt Nam, buộc nền bóng đá Việt Nam phải thay đổi để phát triển.
U23 Việt Nam đến với VCK U23 châu Á 2020 với niềm hưng phấn cao độ sau chiếc HCV SEA Games 30, khi trong đội hình gần như nguyên vẹn các tuyển thủ U22 vô địch SEA Games, bổ sung thêm những khuôn mặt mới thành U22+1, với những tuyển thủ tốt nhất đang có. Với đội hình đó U23 Việt Nam chơi rất chật vật. Qua vòng bảng với 2 trận hòa trước UAE và Jordan và thua 1-2 trước U23 Triều Tiên, điều dễ nhận thấy là với lực lượng đó, U23 Việt Nam có thể vô địch Đông Nam Á nhưng thiếu chiều sâu, nên ở cấp độ châu lục, vẫn là đội chiếu dưới. Việc bị loại ở vòng bảng phản ánh đúng trình độ của U23 Việt Nam.
Chỉ có điều nghi vấn, vì sao U23 Jordan và U23 UAE lại hòa nhau 1-1, đúng như dự đoán của báo chí châu Á? Nếu họ cố tình dắt tay nhau để vào tứ kết, thì bóng đá trẻ châu Á không sạch!
Thất bại lần này ở Giải U23 châu Á 2020, bóng đá Việt Nam học được nhiều bài học, để hướng đến tương lai. Với sự phát triển bền vững như hiện tại, có thể 5 đến 10 năm nữa chúng ta mới có một nền bóng đá hiện đại, sẵn sàng chơi ngang ngửa với các đội bóng hàng đầu châu lục.
Bình luận (0)