xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Bữa cơm chiều tất niên

HÀ NGUYÊN HUYẾN

Bữa cơm chiều ba mươi Tết năm 1967 đã để lại trong tôi một nỗi giằng xé đắng cay cho thân phận những người phụ nữ, những người mẹ cả một đời hết lòng vì chồng con

Khoảng năm 1964-1968, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Khắp mọi nơi không khí thời chiến vô cùng căng thẳng. Làng tôi - làng Mông Phụ (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) - được Bệnh viện Sơn Tây chọn làm nơi sơ tán. Đình làng được chọn làm trung tâm. Ngôi đình chúng tôi vẫn thường nô đùa được bưng phên đan bằng tre, nứa kín mít.

"Giàu ba mươi, khó ba mươi"

Nhà tôi, một ngôi nhà cổ có thể nói là khang trang và sạch sẽ nhất làng, được phân cho ông bác sĩ trưởng khoa tai - mũi - họng làm nơi ở và giải quyết một số việc hành chính. Khi ấy tôi còn nhỏ nên bây giờ không nhớ được họ, chỉ nhớ được tên, chúng tôi thường gọi vị bác sĩ đó là bác Bình. Bố tôi bảo: Bác Bình quê tận Quảng Nam, bố con bác là cán bộ tập kết. Tôi chẳng biết Quảng Nam ở đâu, chỉ biết giọng bác Bình nói rất khó nghe. Nếu bác nói nhanh, chúng tôi không biết bác nói gì…

Nhà tôi có 5 gian, 3 gian nhà ngoài và 2 gian buồng. Ba gian nhà ngoài từ xưa đã bố trí 3 ban thờ (gian giữa thờ tổ tiên, gian bên phải thờ thổ công, gian bên trái thờ "bà cô, ông mãnh" - những người mất khi còn ít tuổi). Hai gian buồng chỉ có một gian là ngủ được vì có gió đông nam thổi vào. Gian có gió tây nam chỉ dùng để đồ thô. Bác Bình đến, bố tôi đã nhường bộ phản gỗ hằng ngày bố con tôi vẫn nằm bên gian thờ thổ công. Hằng ngày, bác Bình ăn cơm bếp tập thể của bệnh viện.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Bữa cơm chiều tất niên - Ảnh 1.

Ngôi nhà của tác giả trong làng cổ Đường Lâm

Tết năm 1967, mẹ tôi mời bác Bình ăn Tết cùng gia đình. Nói là thế nhưng thực tế chỉ là mời bác dùng bữa tất niên với gia đình tôi. Sáng ba mươi Tết, tổ sản xuất được chính quyền và ban quản trị hợp tác xã cho phép được mổ một con lợn khoảng 50-60 kg, chia cho 43 hộ gia đình, kể cả "cô đơn, quả phụ".

Gần trưa, tôi mang phần thịt về nhà, mẹ tôi sau khi rửa sạch, đổ tất cả vào nồi nước sôi đang bắc trên bếp. Thịt chín, mẹ vớt ra đĩa, tất cả đều lủn mủn, không cần thái nữa cũng được... Mẹ tôi cẩn thận phân chia các loại, mỗi đĩa một ít. Nào là lòng, là thủ, là chân giò... rồi bưng để lên bàn thờ cho bố tôi làm lễ. Làng tôi là thế, mâm cúng tổ tiên ngày ba mươi Tết chỉ là lòng thủ, tiết canh. Có lẽ là làng làm ruộng nên thực phẩm ngày này không bày vẽ rườm rà gì, lâu rồi thành lệ.

Bọn trẻ chúng tôi chờ đợi mãi… rồi cũng đến lúc tàn nhang! Bữa tất niên được bày trịnh trọng trên chiếc bàn làm việc của bác Bình. Bố tôi ân cần mời, bác Bình nói đại ý: Thật ấm lòng khi phải xa nhà mà có những ngày như thế này.

Quây quần bên mâm cơm tất niên "thời chiến" là bố, hai anh em tôi và một đứa em gái nhỏ, cùng với bác Bình là 5 người. Mẹ tôi vẫn thế, khi có khách, mẹ không bao giờ ngồi cùng...

Ra giêng, một hôm cùng tôi làm rau trên cánh đồng làng, mẹ nhẹ nhàng bảo: "Hôm ba mươi Tết, không đứa nào nhớ phần mẹ đâu nhé!". Tôi không biết mẹ có nói với đứa con nào không, riêng tôi suốt bấy nhiêu năm, tôi không hé răng với ai về chuyện này. Song, nỗi "ám ảnh" về ngày ba mươi Tết năm ấy không bao giờ phai mờ trong ký ức.

Ông bà mình có câu "Giàu ba mươi, khó ba mươi" (ý nói vào những ngày này không ai bị đói cả), vậy sao lại để riêng mẹ tôi phải nhận? Tôi không trách ai cả, có thể là bố tôi biết nhưng ông giữ lịch sự trong bữa cơm ít ỏi ngày ấy. Chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi vô ý. Và ông khách cũng quá thật thà...

Tất cả, tất cả, tất cả... để lại cho tôi một nỗi giằng xé đắng cay cho thân phận những người phụ nữ, những người mẹ cả một đời hết lòng vì chồng con.

Những ngày tất niên đẫm nước mắt

Năm 1972, anh tôi nhập ngũ rồi vào Nam chiến đấu. Đằng đẵng cả năm trời không một cánh thư. Tết năm ấy, cũng bữa tất niên chỉ có thịt lợn hợp tác xã phân phối như mọi năm, mẹ làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên. Sau khi hạ lễ để cả nhà sum họp, mẹ tôi nước mắt lưng tròng rồi khóc thành tiếng. Mẹ thương anh biền biệt phương xa không biết sống chết thế nào... Bữa cơm chiều ba mươi lặng lẽ trong tiếng thở dài của mọi thành viên trong gia đình, chan hòa trong nước mắt của mẹ!

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Bữa cơm chiều tất niên - Ảnh 2.

Tác giả cúng tất niên tại nhà. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mẹ tôi kể khi bước chân vào làm dâu nhà tôi, mẹ 15 tuổi, còn bố tôi 13 tuổi. Bà nội tôi mất sớm, ông nội không đủ tiền nuôi bố học tiếp. Bố tôi ra Đồ Sơn, Hải Phòng làm cho công ty nấu rượu Đông Pháp, văn phòng thuê tại khách sạn Vạn Hoa (đến nay khách sạn này vẫn còn). Mẹ tôi ở lại làng với 2 người em chồng còn tuổi vị thành niên. Mấy năm sau, ông nội tôi mất, rồi Tổng khởi nghĩa (năm 1945), bố tôi tham gia kháng chiến. Chiến tranh giặc dã mãi cho đến khi "hòa bình lập lại" (năm 1955), bố tôi về mới có thêm chúng tôi. Suốt những năm tháng ấy, mẹ tôi bảo: "Chẳng năm nào có Tết!".

Rồi những năm sau đó, ngày ba mươi Tết nào cũng vậy, nước mắt mẹ chảy dài cho đến năm 1975, anh tôi giải ngũ, về làng. Tết năm ấy vui lắm, Tết của hòa bình, độc lập.

Chỉ ngặt mỗi điều, đất nước còn nghèo quá! Thịt lợn vẫn phân phối như mọi năm. Gạo nếp quá ít, chỉ gói được 1-2 cặp bánh chưng cúng tổ tiên. Số còn lại mẹ đem trộn gạo nếp với sắn tươi nạo thành sợi rồi mang gói như bánh chưng để lấy… số lượng. Mẹ bảo: "Năm nay nhà mình thêm người, vả lại các con cũng đã lớn, ăn như… phá!".

Không ai ngờ năm 1984, mẹ tôi lâm bệnh, căn bệnh quái ác đã cướp đi mạng sống của mẹ khi những đứa con chưa đứa nào có việc làm để tự nuôi mình, nói gì đến ân tình, báo đáp.

Để mãi nhớ một thời

Mấy chục năm qua đi, từ sau khi đất nước "đổi mới", cuộc sống ngày một tốt lên. Phong tục tập quán được khôi phục; những ngày giáp Tết, không khí làng quê tưng bừng lắm. Năm nào tôi cũng bồi hồi một tâm trạng khó tả.

Trong rất nhiều niềm vui, với tôi, vui nhất là ngày giỗ họ (giỗ tổ). Họ Hà chúng tôi là một dòng họ lâu đời và đông đúc ở làng Mông Phụ, có nhà thờ riêng. Ngày giỗ họ là 20 tháng chạp. Chiều 19, người trong họ bắt một con lợn về thịt để chuẩn bị cho ngày mai làm chính tiệc. Dù hoàn cảnh nào đi nữa cũng phải làm một chú lợn trên dưới 1 tạ. Ai cũng bảo: "Lệ của họ, của làng là thế!".

Chiều ấy, trong bữa cơm tạm, chỉ có lòng lợn, tiết canh và nước luộc lòng (nước xuýt) nóng bỏng mồm... Làng tôi gọi bữa này là "cỗ rau dấm". "Cỗ rau dấm" ai đã một lần thưởng thức chắc sang năm lại muốn về! Họ hàng là thế, đã đến nhà thờ thì không còn chức vụ, thang bậc xã hội. Các thành viên đến đây cứ theo thứ tự vai vế trong một dòng họ mà tôn trọng nhau...

Năm nào cũng thế, xong việc giỗ họ, lòng tôi buồn hoang hoải. Mấy chục năm rồi vẫn không sao dứt được tâm trạng ấy. Năm đã cạn ngày, chẳng mấy nữa lại là một chiều tất niên. Trong bữa cơm dâng cúng tổ tiên, cha mẹ... nhà tôi cũng không thể thiếu được "cỗ rau dấm"! Vài năm gần đây, do phải kiêng nội tạng động vật và hình như lớp trẻ không còn mấy mặn mà với món ăn này, song nhà tôi vẫn không thể bỏ được. Năm trước, có đứa cháu hỏi, tôi trả lời: "Cỗ rau dấm" là tục... cúng "hèm" (tục lệ không thể thiếu) riêng có của nhà mình!

Đã đến lúc phải nói ra cho các thế hệ sau hiểu "cỗ rau dấm" trong bữa tất niên của nhà tôi được bắt đầu như thế, từ mâm thịt lợn lủn mủn mẹ tôi đã nấu vào cái Tết năm 1967 đó. Duy trì cũng là một cách để "ôn cố, tri tân". Để chúng ta nhớ một thời gian khó mà những người phụ nữ, những người mẹ trong làng... có thể do rất nhiều ràng buộc bởi những định chế (có thể là lỗi thời) mà thầm lặng hy sinh bản thân mình cho những người thân. Phải chăng đó là đạo lý!

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Bữa cơm chiều tất niên - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo