. Phóng viên: TP HCM đang thiếu không gian công cộng, trong đó đặc biệt là công viên cây xanh chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Có những địa phương quỹ đất quy hoạch lớn, dân số đông nhưng hầu như chưa có công viên quy mô lớn nào, điển hình như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, TP Thủ Đức. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
Ông NGUYỄN THANH NHÃ
- Ông NGUYỄN THANH NHÃ: Tại TP HCM đang có nghịch lý là chỉ tiêu đất công viên công cộng trên đầu người bình quân ở khu vực nội thành cũ, các quận mới lại cao hơn khu vực ngoại thành.
Có thực tế này bởi khu vực ngoại thành dân cư còn thưa thớt, nhiều khu vực dân cư mới chưa hoàn thiện hệ thống giao thông thì rất khó để đầu tư phát triển công viên cây xanh. Trong khi đó, chỉ tiêu cây xanh thì làm theo tiêu chuẩn còn khi thực hiện phải căn cứ thực trạng phát triển đô thị. Đô thị phát triển tới đâu thì công viên, cây xanh phát triển tới đó. Đây là điều trái ngược với các nước trên thế giới là phải phát triển hạ tầng, các tiện ích xã hội rồi mới thu hút dân cư đến ở.
. Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm công tác quy hoạch và từ chức năng này, các đồ án quy hoạch đều thể hiện đầy đủ chỉ tiêu phát triển công viên cây xanh. Nhưng thực tế lại không như vậy, vì sao, thưa ông?
- Lẽ ra tiêu chuẩn phải ngày càng nâng lên nhưng lại gặp trở ngại là quỹ đất không có. Bây giờ quy hoạch nhiều hơn nữa thì người dân sẽ nói "vẽ công viên lên nhà người ta", cũng rất khổ. Việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch công viên cây xanh "trên giấy" cũng khiến người dân bức xúc nhưng không thể không làm.
Dù chỉ tiêu quy hoạch không cao nhưng việc thực hiện quy hoạch công viên cây xanh trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân ở những khu vực bị quy hoạch treo. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện điều chỉnh giảm các chỉ tiêu quy hoạch, bởi hiện nay, chỉ tiêu công viên cây xanh tại TP HCM thấp hơn nhiều quốc gia. Vì vậy, quan điểm của tôi là không điều chỉnh giảm, bản thân quy hoạch của chúng ta đã sát mức tối thiểu rồi, không thể giảm nữa. Các quận, huyện cần cân đối di dời, thay vị trí không khả thi thực hiện quy hoạch để đến vị trí khác khả thi hơn chứ không nên giảm chỉ tiêu quy hoạch. Để xảy ra tình trạng dân cư ngày càng nén vô, cây xanh ngày càng tháo ra là không ổn. Ai cũng muốn xây dựng cao ốc mà không làm công viên cây xanh thì không được.
Đây là khoảng không gian xanh đầy mơ ước với nhiều người dân TP HCM ở khu vực ngoại thành (Ảnh chụp tại Công viên Tao Đàn). Ảnh: ANH VŨ
. Xin ông nói rõ những vướng mắc cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu công viên cây xanh trên địa bàn thành phố? Giải pháp sẽ là gì?
- Thứ nhất, thiếu nguồn lực thực hiện quy hoạch. Thứ hai, thiếu cơ chế chính sách cho người dân trong khu quy hoạch được bảo đảm một số quyền lợi tối thiểu. Bên cạnh đó, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân khu vực dự án cũng chưa thỏa đáng.
Hai trong nhiều giải pháp để giải quyết những điều trên, đó là công tác quy hoạch phải ngày càng cao, bảo đảm tính khả thi; đồng thời, công tác vận động để hiểu và chia sẻ hơn với những khó khăn của cơ quan chức năng cũng cần được tiến hành.
Để công tác quy hoạch bảo đảm tính khả thi và mang lại lợi ích cho người dân, nhà nước cần tính toán để không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư hiệu quả các dự án tiện ích công cộng theo quy hoạch. Ngoài ra, công tác thực hiện quy hoạch, hậu quy hoạch, quản lý và kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch tại các địa phương cần làm tốt hơn.
Hiện có một số dự án công viên lớn được kỳ vọng nâng cao chất lượng sống người dân như SAFARI (rộng 456 ha ở huyện Củ Chi), khu công viên cây xanh đa chức năng (rộng 150 ha ở quận 12), khu lâm viên sinh thái ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (rộng hơn 128 ha)…
Địa phương nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện UBND quận 8 cho biết tổng diện tích mảng xanh trên địa bàn quận này hơn 322.957,98 m2. Địa phương đang có tổng cộng 24 công viên cây xanh, trong đó 2 công viên ngoài khu nhà ở và 22 công viên trong khu nhà ở.
Hiện quận 8 còn một số khó khăn trong việc phát triển mảng xanh. UBND quận 8 sẽ kiến nghị thành phố bố trí thêm nguồn vốn để đầu tư công viên, nhất là các khu công viên cây xanh tập trung; đồng thời rà soát lại quỹ đất công của những doanh nghiệp nhà nước do bộ, ngành quản lý để bố trí xây dựng đầu tư cây xanh bố trí theo quy hoạch.
Trong khi đó, UBND quận Gò Vấp cho hay luôn quan tâm đến các thiết chế văn hóa, công viên để phục vụ người dân. Quận đã sử dụng các cơ sở đất công để đầu tư xây dựng nhà văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, đối với đất quy hoạch công viên cây xanh có nguồn gốc của người dân, việc bồi thường hỗ trợ cần kinh phí lớn nên việc đầu tư phát triển công viên còn khó khăn, chưa thể thực hiện theo quy hoạch.
Tại huyện Hóc Môn, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết khó khăn hiện nay trong việc đầu tư các khoảng xanh, công viên cây xanh trên địa bàn huyện là kinh phí. Nhiều năm qua, huyện yêu cầu các xã, thị trấn nơi nào có quỹ đất công tranh thủ cải tạo thành công viên, trồng cây, hoa và lắp đặt ghế đá, máy tập thể dục để người dân thư giãn.
Cũng giống huyện Hóc Môn, UBND quận 12 thời gian qua đã đề nghị các phường thực hiện tốt yêu cầu "mỗi phường có ít nhất một công viên" trong giai đoạn 2021-2025. "Nói là công viên nhưng không cần phải to tát, chỉ cần những mảnh đất trống, đất công thì tận dụng cải tạo trồng hoa, cây xanh, đặt máy tập thể dục, làm sân chơi cho trẻ em. Đến nay, toàn quận có 36 công viên cây xanh với diện tích 103.500 m2, 54 mảng xanh công cộng với diện tích gần 150.000 m2. Dự kiến năm nay, quận tiếp tục phát triển mảng xanh bằng cách trồng thêm 3.000 cây xanh trên các tuyến đường cặp rạch, vỉa hè, công viên..." - ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, thông tin.
Thu Hồng - Trường Hoàng - Lê Vĩnh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-6
Bình luận (0)