xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Bức bí" vốn cho giao thông TP HCM

Bài và ảnh: GIA MINH

Vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông TP HCM vào khoảng 10.000 tỉ đồng mỗi năm, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển

Ngày 10-6, HĐND TP HCM đã có buổi giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm với nhiều sở - ngành liên quan. Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, giai đoạn 2016-2020, TP tập trung nhiều nguồn lực đầu tư và hoàn thành, đưa vào khai thác hàng loạt công trình giao thông trọng điểm thuộc chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Tuy nhiên, tổng kết cả giai đoạn nêu trên, vốn cho hạ tầng giao thông chỉ hơn 50.000 tỉ đồng là chưa tương xứng, chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Thiếu vốn, vướng mặt bằng

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, nhìn nhận chính bởi sự "bức bí" về nguồn vốn, dẫn đến hệ thống hạ tầng giao thông tại TP HCM thiếu đồng bộ, đặc biệt là các dự án giao thông tại TP đều đang chậm hơn quy hoạch. Đơn cử như dự án đường Vành đai 2, theo Nghị quyết của HĐND TP phải khép kín năm 2020, nhưng đến nay vẫn dang dở. Trong khi với tốc độ tăng trưởng dân số cùng lưu lượng phương tiện như hiện nay, nếu không tập trung đầu tư hạ tầng giao thông thì dự báo khoảng năm 2025, năng lực trên các tuyến đường tại TP bị vượt mức đến 1,55 lần và càng cao hơn vào những năm sau đó.

Bức bí vốn cho giao thông TP HCM - Ảnh 1.

Tỉ lệ vốn đầu tư hạ tầng giao thông TP HCM được cho là chưa đáp ứng đủ nhu cầu khiến giao thông luôn bức bối. Trong ảnh: Đường Đinh Bộ Lĩnh - trục chính ở cửa ngõ phía Đông TP HCM - thường xuyên trong cảnh ùn tắc

Ngoài ra, lãnh đạo Sở GTVT cũng nêu vấn đề hiện chi phí giải phóng mặt bằng ở các dự án rất lớn, thường chiếm tỉ trọng hơn 50% tổng mức đầu tư. Trong khi đầu việc này tốn rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Một vướng mắc cũng nổi cộm khác là sự bất cập của đồ án quy hoạch phân khu chi tiết 1/2.000 ở các địa phương, dẫn đến phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch ở quá trình chuẩn bị đầu tư, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện... Đặc biệt, một số dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) tại TP chưa thể triển khai và việc đầu tư theo hình thức này cũng gặp nhiều khó khăn, pháp lý chưa rõ ràng, chặt chẽ... Chưa kể các dự án do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn TP HCM cũng chưa bảo đảm tiến độ.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cũng cho rằng vốn bố trí thực tế chưa đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư theo quy hoạch phát triển GTVT tại TP. Trong khi những dự án do các cơ quan trung ương triển khai trên địa bàn TP cũng thiếu sự quan tâm và việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án chưa như kỳ vọng.

Làm tốt khâu chuẩn bị sẽ giảm khó khăn

Ông Trung Anh nêu một vướng mắc khác trong quá trình triển khai là hiện nhiều dự án đăng ký nhu cầu vốn đầu năm kế hoạch cao nhưng khi triển khai lại khó bởi nhiều nguyên nhân, dẫn đến không có khả năng giải ngân vốn đã được bố trí và phải đề xuất giảm vốn để ưu tiên cho các dự án khác. Trong khi cũng có tình trạng đăng ký vốn chưa sát nhu cầu tiến độ thực hiện, việc này liên quan nhiều ở công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

"Do đó việc dự báo chính xác tiến độ thực hiện công tác bồi thường nhằm đăng ký vốn phù hợp, sát thực tiễn là một yếu tố mang tính quyết định, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân chung và tiến độ triển khai thực hiện các dự án" - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá một số cơ quan, chủ đầu tư vẫn chủ quan, không lập kế hoạch theo dõi tiến độ dự án, dẫn đến đăng ký vốn không sát thực tế.

Cũng theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, khó khăn lớn hiện nay là theo Luật Đầu tư công 2019, việc thực hiện còn có nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, đặc biệt là nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án tại TP HCM. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ và khai thác nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết đang tiếp tục trao đổi với Bộ KH-ĐT để kịp hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn ở quá trình thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công nhằm tham mưu cho chính quyền TP. Bên cạnh đó, sở này cũng sẽ phối hợp với Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT xem xét, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông TP HCM cũng như nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP...

Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án bị vướng mắc, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đánh giá khâu chuẩn bị thực hiện nếu làm tốt sẽ giảm rất nhiều khó khăn và tiến độ được đẩy nhanh hơn. Cụ thể là cần chuẩn bị kỹ, chặt chẽ các điều kiện như xác định giá đất, giá tái định cư và vai trò chính của từng bên để chủ động thực hiện.

Phải sát và chặt chẽ ngay từ đầu

"Từ năm 2015 đến nay, tình hình giao thông tại TP HCM có nhiều cải thiện. Các công trình giao thông sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả lớn. Trong tổng số 172 dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, hiện có 78 dự án khởi công và 39 dự án đã hoàn thành".

Ông TRẦN QUANG LÂM, Giám đốc Sở GTVT TP HCM

Đánh giá việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần ưu tiên, ông Trần Quang Lâm cũng thông tin hiện Sở GTVT đang xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP đến năm 2030, trong đó có những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể xác định mức độ ưu tiên đầu tư các dự án cũng như dự báo tình hình nhằm định hướng, xây dựng các giải pháp... Theo Sở GTVT, hiện nay các giải pháp đang tiếp tục thực hiện là nghiên cứu các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực đầu tư (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa). Đồng thời, rà soát các cơ chế chính sách, thủ tục về đất đai liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, từ đó đề xuất giải pháp đẩy nhanh công đoạn này ở các dự án...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm hoàn thành và đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại không ít dự án kéo dài, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Có nhiều vấn đề dẫn đến tình trạng trên nhưng theo Chủ tịch HĐND TP, nguyên nhân chủ quan là khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt, thiếu chặt chẽ về pháp lý, dẫn đến phát sinh phải điều chỉnh, thậm chí vượt cả thẩm quyền của TP HCM. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng chưa tốt, dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc, thiếu chủ động giải quyết. "Chủ đầu tư dự án và các bên liên quan cần chấn chỉnh những yếu tố chủ quan này. Trong việc thực hiện các dự án phải đánh giá cụ thể tác động, hiệu quả để ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải..." - Chủ tịch HĐND TP yêu cầu.

Về nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở KH-ĐT lập kế hoạch, bảo đảm vốn ngân sách thực hiện các dự án của chương trình giảm ùn tắc, tai nạn; tránh tình trạng công trình chậm triển khai do bố trí vốn kế hoạch không đủ, cũng cần rà soát khả năng giải ngân vốn ở các dự án; có hướng đề xuất việc đăng ký vốn chưa sát nhu cầu dự án…

Riêng liên quan đến vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, Chủ tịch HĐND TP đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách về đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp để tạo sự ổn định, bảo đảm hài hòa và quyền lợi cho người dân... "Đặc biệt, với 8 dự án chuẩn bị trình HĐND TP trong kỳ họp giữa năm, các sở - ngành cần khẩn trương chuẩn bị kỹ các thủ tục, hồ sơ và thực hiện các thủ tục đúng quy định, thời gian để HĐND TP có điều kiện thẩm tra, xem xét" - bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị. 

Dừng 2 hợp đồng BOT

Theo ông Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM, UBND TP giao các sở - ngành rà soát 13 dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và 2 dự án thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Trong đó, 2 dự án gồm cầu đường Bình Triệu 2 giai đoạn 2 (quận Bình Thạnh) và cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân), UBND TP chấp thuận chủ trương dừng hợp đồng BOT. Về vấn đề này, theo Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm, dự án BOT đã triển khai mà dừng là việc chưa có tiền lệ. Hiện TP đã giao các sở - ngành làm các thủ tục chặt chẽ, đàm phán với nhà đầu tư chuyển từ hợp đồng BOT qua vốn ngân sách.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo